Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024)
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG (02/4/1904-02/4/2024)
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 -07/5/2024)
Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
Người đảng viên cao tuổi đến cuối đời vẫn cống hiến.

​Sau khi giác ngộ lý tưởng của Đảng Cộng sản cùng với những tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh, người Cộng sản ấy đã hết lòng phụng sự cho dân, cho nước.

tgddhcm_tin1_251016.gif

​ Ông đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mặc dù tuổi cao sức yếu lại mang trong mình những căn bệnh của tuổi già nhưng người chiến sĩ kiên trung ấy vẫn không chịu chùn bước trước số phận. Ông vẫn tiếp tục sự nghiệp cách mạng của mình bằng con đường tham gia vào cuộc cách mạng khoa học của nhân loại.

Ông chính là Hoàng Phi Hổ (tên khai sinh là Võ Thành Dương) nhưng mọi người thường gọi ông với cái tên gần gũi thân mật là ông Tư Hổ. Ông sinh ra và lớn lên tại một vùng quê ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Đau lòng khi chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, bao gia đình phải li tán. Hình ảnh đó đã được ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu khắc lại trong bài “chạy giặc” cảnh:

     “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây

       Một bàn cờ thế phút sa tay

       Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

       Mất tổ đàn chim dáo dác bay.”

Và cũng rất xót xa khi chứng kiến những sự hy sinh thầm lặng, những cái chết đầy đau thương mà bọn cướp nước đã gây ra cho quê hương. Đó là cảnh não lòng trong bài “văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” “Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.” Không cam chịu nỗi mất mát quá lớn của cả dân tộc, người thanh niên trẻ Võ Thành Dương quyết định xa gia đình, xa mái nhà thân thương, tạm gác lại sau lưng hạnh phúc nhỏ nhoi của bản thân để thực hiện những hoài bão lớn của tuổi trẻ mong muốn góp tài sức của mình cho sự nghiệp

lớn của nước nhà. Tháng 8/1954, ông tuân lệnh tổ chức, lên đường tập kết ra Bắc, bắt đầu cuộc hành trình 10 năm sống, lao động và học tập đầy gian truân ở khắp các tỉnh thành phía Bắc. Đến năm 1964, ông được biệt phái trở lại miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ. Từ đó, cuộc đời cách mạng của ông gắn liền với vùng đất chiến khu D “miền Đông- gian lao mà anh dũng”. Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, người chiến sĩ quả cảm ấy đã trải qua và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đến ngày hòa bình lập lại, ông tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao đảm trách nhiều cương vị ở địa phương. Khi được nghỉ hưu theo chế độ, ông vẫn tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho địa phương như: phụ trách các ban liên lạc truyền thống của những đơn vị ông từng công tác, tham gia hội CCB, hội người cao tuổi, hội CTĐ, hội nạn nhân chất độc màu da cam Dioxin,...Với những đóng góp to lớn, ông đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng do tỉnh ủy trao tặng.

Và mấy ngày hôm nay, tuy phong ba bão táp cùng với những căn bệnh quái ác đã khiến tấm thân ấy trở nên gầy gò. Đôi chân ông không còn đi lại nhiều được nữa và đôi mắt cũng không còn tinh anh như xưa, nhưng sâu trong đôi mắt ấy tôi vẫn thấy rực lên ngọn lửa của lý tưởng cao đẹp. Đối với ông sống là phải dâng hiến cho đời để khi nằm xuống không thẹn với non sông. Bởi vì lẽ đó mà người chiến sĩ ấy quyết định tiếp tục hiến thân vào sự nghiệp cách mạng khoa học. Ông đã viết chúc thư tình nguyện xin hiến thân xác cho y khoa, với mong muốn đóng góp vào sự phát triển của nền y học nước nhà.

Sau gần 4 tháng gửi đơn, ông đã được hiệu trưởng trường Đại học y dược TPHCM chấp thuận và đã nhận được thư cảm ơn của nhà trường. Trong thư có đoạn viết: “Chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng ở bất cứ nơi đâu trên đất nước ta đều có những người tuy rất bình thường, với những mái đầu đã đốm bạc, với những thân hình nhỏ bé, với những nếp nhăn khắc khổ của cuộc đời, cùng với cuộc sống mưu sinh đầy vất vả nhưng vẫn có những suy nghĩ trăn trở, muốn gửi gắm, trao tặng tất cả những gì mình có cho việc đào tạo khoa học, coi di hài của mình như một món quà tặng cho cuộc sống, vẫn có những trái tim vàng coi sự dâng hiến là hạnh phúc. Đó không những là tấm gương, là bài học đầu tiên về y đức mà sự tình nguyện của ông còn đi sâu vào tâm hồn và trái tim của sinh viên y khoa như một dấu son đỏ thắm nhất của đức hy sinh và lòng nhân ái...”

Nhiều người đã không ngớt lời khen ngợi và cảm phục khi nghe người đảng viên cao tuổi, với nét mặt điềm đạm, phong thái ung dung vui vẻ chia sẻ: “xuất phát từ việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ - cái gì có lợi cho dân thì mình cứ làm. Từ chỗ đó mà tôi suy nghĩ: với 87 năm tuổi đời 63 năm tuổi Đảng, mình đã cống hiến cho đất nước , cho dân tộc bây giờ cuối đời mình vẫn còn cống hiến được cho khoa học, giúp cho mọi người thì nên làm, do đó mà tôi xin tự nguyện hiến xác.”

Người lính già ấy “không chịu sống đời nhỏ nhoi”. Vì vậy mà tôi càng cảm phục hơn trước tấm lòng cao cả của một vị cán bộ lão thành cách mạng và tôi cũng rất vinh dự, tự hào khi địa phương nơi mình sinh sống có 1 “ngọn đuốc sáng ngời” để thế hệ thanh thiếu niên như chúng tôi noi theo. Bằng sự ngưỡng mộ và tấm lòng trân quý, xin cám ơn tạo hóa đã sinh ra và mang người chiến sĩ cách mạng chân chính ấy đến với quê hương. Tôi tự nhủ với lòng rằng phải phấn đấu nỗ lực học tập làm theo tư tưởng của Bác Hồ kính yêu, nâng cao kiến thức, rèn luyện sức khỏe, tinh thần và tư tưởng đạo đức để trở thành một công dân có ích cho xã hội, xứng đáng với dòng máu con lạc cháu hồng, xứng đáng với công lao của Bác Hồ và thế hệ cha ông đi trước mà tiêu biểu ở đây là ông Tư Hổ.

Mới đây, chúng tôi có vào thăm ông Tư Hổ, trên dường bệnh ông thì thào: “các cháu phải sống tốt nhé”, rồi ông lặng đi…có ngờ đâu đó là lần sau cùng chúng tôi được nhìn thấy ông Tư Hổ.

                                        Hoàng Long- Thanh Quyên.

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Infographic

Giới thiệu Sách

Bản đồ hành chính

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá Giao diện - Thông tin cập nhật trên Trang thông tin điện tử Thành phố Long Khánh



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ LONG KHÁNH

Cơ quan chủ quản: THÀNH ỦY-UBND THÀNH PHỐ LONG KHÁNH
Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh.
Địa chỉ: Cách Mạng Tháng Tám, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Email: longkhanhradio@gmail.com​

Số điện thoại: 02513.877.172 - 02513.877.124​