Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2024
THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM: NÂNG TẦM NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 -07/5/2024)
Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
Xóa mù chữ cho người lao động

Nghe tin lớp học “xóa mù chữ” cho người lao động được duy trì ở một doanh nghiệp đã lâu, bán tín bán nghi, tôi tìm hiểu thêm và hôm nay được thầy giáo Bùi Anh Tuấn-Giáo viên Phổ cập của trường Tiểu học Trưng Vương –xã Xuân Tân người trực tiếp phụ trách lớp đã đích thân đưa tôi đến thăm lớp.​

vietngan_tin1_251016.gif

*Lớp học đặc biệt

Đó là lớp học do doanh nghiệp Hòa Thuận Đường tổ chức với sự hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp của thầy giáo Bùi Anh Tuấn-Giáo viên Phổ cập của trường Tiểu học Trưng Vương –xã Xuân Tân.

Trên địa bàn xã Xuân Tân có một số đối tượng chưa đạt ở mức 2 của chuẩn xóa mù chữ theo thông tư 07/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn xóa mù chữ. Khi có chủ trương tiếp tục làm tốt công tác phổ cập tiểu học ở địa phương, thầy giáo Bùi Anh Tuấn không ngại khó khăn đã tìm hiểu trên địa bàn có các doanh nghiệp đóng chân, rồi đến từng nơi khảo sát thăm dò vận động, “có doanh nghiệp họ chả thèm tiếp, phải đứng ở ngoài cổng gọi điện thoại vào trong để trao đổi với chủ doanh nghiệp…nhưng không thành công”- thầy giáo Bùi Anh Tuấn-tâm sự. Không nản lòng, thầy giáo Tuấn đã tìm đến một doanh nghiệp chế biến thuốc Đông dược Hòa Thuận Đường (thuộc ấp Tân Phong-xã Xuân Tân). Được anh chủ doanh nghiệp nhiệt tình, niềm nở sẵn sàng hợp tác, anh Nguyễn Trần Tăng Hòa-chủ doanh nghiệp Hòa Thuận Đường cho biết: “có những công nhân đã lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn 10 đến 15 năm, nhưng chữ nghĩa cũng chỉ biết sơ sơ thôi, có lẽ hồi nhỏ cũng chỉ học đến lớp hai lớp ba là cùng, xong là bỏ học đến nay, bây giờ thì đã quên hết các con chữ rồi, làm việc chậm chạp lắm; khi nghe thầy giáo Tuấn đặt vấn đề mở lớp “xóa mù chữ” nội bộ cho công nhân, tôi và chị em công nhân thực sự mừng lắm”. Và thế là lớp học bắt đầu được triển khai, trước hết, phải kiểm tra “trình độ” đầu vào để sắp xếp bố trí lớp cho hợp lý.

Mỗi ngày, lớp học bất đầu từ 15 gờ 30 đến 16 giờ 30, vào cuối giờ làm việc buổi chiều, doanh nghiệp dành thời gian để mở lớp. Không khí của lớp học lúc nào cũng rất thoải mái, lâu lâu lại bật lên tiếng cười suýt soa vì viết lộn chữ, lệch hàng do cái tay nó run run, con mắt nó mờ đi, thấy vậy giáo viên cũng cho qua, rồi nhắc nhở hãy cẩn thận hơn.

vietngan_tin1.2_251016.gif 
 giáo và "học trò"

Lớp học chỉ vỏn vẹn một chục có đầu học sinh (12 học  sinh), nhưng toàn là nữ; học viên nhỏ tuổi nhất cũng đã 45 tuổi, cao tuổi nhất là 58. Ban đầu thầy giáo Tuấn cũng đâm ra lúng túng trong cách xưng hô, giảng dạy sao cho phải phép, vì “học trò” toàn là bậc cao niên ở tuổi cha mẹ mình, nên thầy đã vận động cả vợ của mình là Nguyễn Thị Hồng Loan hiện là giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng cùng ra đứng lớp thay anh khi có việc. Cô giáo Loan gần gũi, ân cần với “học trò”, hướng dẫn nắn nót chi tiết từng con chữ, làm cho “học trò” thích thú lắm, say mê học. Thấy các cô, các chị học viên chăm chú, cố gắng tập viết, tôi hỏi: khi vào lớp học họ có mặc cảm gì không?- “có chứ anh”-không ngần ngại, thầy giáo Tuấn còn cho biết thêm: “lúc đầu phải năn nỉ, động viên nhiều chứ! biết rằng, họ sẽ ít nhiều cảm thấy xấu hổ với gia đình, chồng con nên thầy giáo bàn với doanh nghiệp cam kết “bí mật” việc học này với người thân của học viên, học xong buổi nào để tập vở lại trong lớp, không cần phải luyệt tập thêm ở nhà. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chắc rằng chỉ trong khoảng 9 tháng, chị em học viên sẽ có thể thành thạo trong ráp chữ và đọc được.”

*Được lợi cả hai

Khi được đặt vấn đề mở lớp dạy chữ cho công nhân lao động trong cơ sở sản xuất của mình anh Hòa đồng tình ngay. “Để có lớp học này, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ kinh phí, quỹ thời gian cho người lao động yên tâm học tập; khi đã hoàn thành khóa I của lớp, các học viên đọc và viết được sẽ giúp cho công việc trôi chảy hơn, sẽ góp phần có lợi cho doanh nghiệp; mặt khác khi đã biết đọc biết viết chắc rằng các chị em sẽ tự tin hơn, tư duy tốt hơn góp phần làm giàu về mặt văn hóa tinh thần cho người lao động”-anh Hòa chủ doanh nghiệp chia sẻ.

Học viên lới tuổi nhất (58 tuổi) chị Nguyễn Thị Ngẫu cho biết: “bi giờ già rùi, có học thêm được mấy chữ cũng chẳng thấm tháp gì, nhưng được doanh nghiệp và các giáo viên ưu ái thì chúng tôi cũng ráng học, là học cho mình chứ có mất mát chi đâu, học để không phụ lòng thầy giáo và doanh nghiệp”.

Anh Hòa cho biết thêm: “Nâng cao được trình độ học vấn cho công nhân, góp phần tăng năng xuất lao động, thu nhập của người lao động cũng được nâng lên đó là điều chắc chắn.”

Khuyến khích xã hội học tập là việc của Nhà nước, nhưng tôi đọc được trong ánh mắt của chủ doanh nghiệp này, ở đâu đó khi mà lợi ích được hài hòa sẽ mang lại thành công lớn trong kinh doanh và cuộc sống. Lớp học xóa mù chữ cho người lao động tại doanh nghiệp Hòa Thuận Đường này sẽ là một minh chứng cho điều đó.

                                                                 HLong​

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Giới thiệu Sách

Bản đồ hành chính

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá Giao diện - Thông tin cập nhật trên Trang thông tin điện tử Thành phố Long Khánh

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ LONG KHÁNH

Cơ quan chủ quản: THÀNH ỦY-UBND THÀNH PHỐ LONG KHÁNH
Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh.
Địa chỉ: Cách Mạng Tháng Tám, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Email: longkhanhradio@gmail.com​

Số điện thoại: 02513.877.172 - 02513.877.124​