Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2024
THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM: NÂNG TẦM NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 -07/5/2024)
Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM, NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ

         *Ngày Thương binh-Liệt sĩ, ngày 27/7 hàng năm - đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc

Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại và làm nghĩa vụ quốc tế do Đảng ta lãnh đạo, có biết bao đồng bào, đồng chí, gia đình đã hy sinh tính mạng, xương máu, sức lực, trí tuệ và tài sản cho đất nước. Để đền đáp một phần những cống hiến, hy sinh đó, ngày 16 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL đặt “chế độ hưu bổng và tiền tuất tử sĩ”, đồng thời chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm làm “Ngày Thương binh toàn quốc”. Đến năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi tên “Ngày Thương binh toàn quốc” thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ”.

Từ đó hàng năm, cứ đến ngày 27/7 - Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhân dân cả nước lại sôi nổi tổ chức kỷ niệm và coi đó là sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa chính trị rất sâu sắc. 70 năm qua, thông qua các hoạt động thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với Tổ quốc. Công tác giáo dục ý thức trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ cách mạng đối với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng thực sự được coi trọng. Sự cống hiến, hi sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, làm cơ sở cho giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.

*Công tác Thương binh - Liệt sĩ của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua

Kể từ Sắc lệnh số 20/SL đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và thực hiện thống nhất trong cả nước một hệ thống chính sách, chế độ đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Các chính sách, chế độ đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng ngày càng được mở rộng về đối tượng; đa dạng hơn về các hình thức chăm sóc (chế độ nhà ở, ưu đãi thực hiện chính sách thuế, ưu đãi giáo dục đào tạo và chăm sóc y tế...); hệ thống các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng, an dưỡng được xây dựng; nhiều trung tâm phục hồi chức năng thương binh, bệnh binh đã ra đời và hoạt động có kết quả tốt. Tổ chức nhiều trường học, cơ sở đào tạo, trung tâm thực hành và các xưởng sản xuất phục vụ việc đào tạo, dạy nghề, sản xuất, kinh doanh dành cho các đối tượng thương binh, bệnh binh và thân nhân thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Với việc ban hành và thực hiện Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” và Pháp lệnh “Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đã góp phần ổn định xã hội, tác động sâu sắc, làm tăng thêm tình cảm và trách nhiệm của các tầng lớp xã hội trong phong trào toàn dân chăm sóc đời sống các đối tượng có công với cách mạng.

*Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng

Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước đã động viên mọi nguồn lực, trước hết là các nguồn lực tại chỗ để giúp đỡ những người có công với cách mạng. Đây là phong trào có quy mô lớn, trên diện rộng, có sức hút và lay động lòng người, đem lại những kết quả to lớn, thiết thực.

Nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã được giúp đỡ kịp thời, giải quyết được nhiều nhu cầu bức thiết về nhà ở, việc làm, học tập, chăm sóc sức khoẻ và các nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần hàng ngày khác. Nhiều phong trào thi đua yêu nước hướng tới mục tiêu chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được tổ chức rất thành công. Tiêu biểu là các phong trào Trần Quốc Toản - các cháu thiếu niên giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, phong trào “nhận đón thương binh, bệnh binh về gia đình, sắp xếp việc làm và nuôi dưỡng”, phong trào “người con hiếu thảo chăm sóc bố mẹ liệt sĩ”; các phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Từ các phong trào này đã phát triển thành 5 chương trình lớn: xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng nhà tình nghĩa; đón nhận thương binh nặng về chăm sóc tại gia đình; nhận chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, trẻ em con liệt sĩ không nơi nương tựa, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các chương trình này đang là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị-xã hội và toàn thể nhân dân ta quyết tâm thực hiện.

*Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các gia đình chính sách

Các thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng là những người trải nghiệm sâu sắc cuộc sống, có bản lĩnh và giàu khát vọng, có khả năng vươn lên làm chủ đời sống trong mọi tình huống. Tiếp nhận sự quan tâm nhiều mặt của Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân và sự giúp đỡ tình nghĩa của toàn xã hội, các gia đình chính sách có thêm nhiều thuận lợi để khắc phục khó khăn, vượt lên trên di chứng chiến tranh, phát huy sức mạnh tinh thần quả cảm, tạo lập cuộc sống bình an, hoà nhập cộng đồng.

Có rất nhiều tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên các lĩnh vực học tập, lao động sản xuất, kinh doanh và hoạt động văn hoá - xã hội đã vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chính mình, làm giàu cho quê hương, đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Giải quyết các tồn đọng về chính sách sau chiến tranh

 Giải quyết các tồn đọng về chính sách sau chiến tranh là một vấn đề hết sức quan trọng trong các chính sách của Nhà nước ta. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã xác nhận, quản lý và thực hiện chính sách đối với các đối tượng như: người hoạt động cách mạng trước 1945, người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa, Anh hùng lực lượng vũ trang, gia đình liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng kháng chiến bị địch bắt tù đày, người có công giúp đỡ cách mạng, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến đấu, người bị nhiễm chất độc hoá học của Mỹ trong chiến tranh...

Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng, tu bổ, chỉnh trang các Đền thờ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, nơi yên nghỉ của những con người ưu tú của đất nước cũng được quan tâm, coi trọng. Cùng với việc xây dựng và không ngừng tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều công trình tưởng niệm liệt sĩ, tượng đài liệt sĩ, nhà bia liệt sĩ, Đền thờ Liệt sĩ... đã được xây dựng khang trang. Tên của nhiều liệt sĩ tiêu biểu và danh tiếng đã được đặt cho tên đường, tên phố, nhà trường, bệnh viện, các công trình kiến trúc... có ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc.

Công tác tìm kiếm, phát hiện, quy tập mộ liệt sĩ được chú trọng và đã thu được kết quả nhiều mặt, đáp ứng đúng yêu cầu tình cảm của các thế hệ sau chiến tranh.

Có thể thấy, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng trong những năm qua của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ngày càng đi vào chiều sâu. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân đã chú trọng chăm lo giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách ưu đãi xã hội; động viên toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với cách mạng, người hưởng chính sách xã hội.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá việc chăm sóc những người thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội nhất là về lao động, việc làm, nhà ở, chăm sóc y tế, giúp đỡ phương tiện đi lại, chăm lo bảo đảm đời sống sinh hoạt và đáp ứng nhu cầu tâm lý, tình cảm. Tập trung xây dựng và phát triển quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên cơ sở phát huy tinh thần “hiếu nghĩa bác ái”. Chăm lo hơn nữa thế hệ mới, con của các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi xã hội, về học tập, việc làm và đời sống; chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của đất nước, quê hương, gia đình để bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức cách mạng, hình thành nên lớp công dân mới ưu tú, xứng đáng với những hi sinh cống hiến vô giá của lớp lớp cha anh.

Nâng cao hơn nữa nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong giai đoạn mới; đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ và chỉnh trang tu bổ, xây dựng mới các công trình ghi công các liệt sĩ đáp ứng tốt hơn nhu cầu tình cảm, tâm linh.

Chú trọng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện hơn nữa các chính sách ưu đãi người có công; phát hiện và xử lý những bất hợp lý, chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp thực tế cuộc sống; đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện chính sách; kịp thời sơ kết, tổng kết các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; phổ biến kinh nghiệm các ngành, các cấp, các địa phương, cơ sở làm tốt công tác này; tăng cường quan hệ quốc tế, nhất là với hai nước Lào và Campuchia giải quyết các vấn đề liên quan đến thương binh, liệt sĩ và người có công. Khắc phục và hạn chế mức thấp nhất những thiếu sót, khuyết điểm của công tác quan trọng này.

Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách, qui định của Đảng, Nhà nước, về những thành quả công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Phát hiện kịp thời, khen thưởng xứng đáng, nhân diện rộng những nhân tố mới và điển hình tiên tiến xuất hiện trong phong trào“Đền ơn đáp nghĩa”, nhất là những tấm gương thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng vượt khó, vươn lên tạo dựng cuộc sống mới và đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.

                   BTG           

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Giới thiệu Sách

Bản đồ hành chính

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá Giao diện - Thông tin cập nhật trên Trang thông tin điện tử Thành phố Long Khánh

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ LONG KHÁNH

Cơ quan chủ quản: THÀNH ỦY-UBND THÀNH PHỐ LONG KHÁNH
Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh.
Địa chỉ: Cách Mạng Tháng Tám, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Email: longkhanhradio@gmail.com​

Số điện thoại: 02513.877.172 - 02513.877.124​