Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2024
THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM: NÂNG TẦM NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 -07/5/2024)
Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
“Săn vọoc” trên núi Chứa Chan

 

​          Nói là “Săn vọoc” mọi người thường nghĩ chắc sẽ có cuộc săn bắn gì đây! Nhưng thực chất đây là một cuộc săn ảnh bình thường, nhưng rất kỳ thú. Các nhiếp ảnh gia đến đây, thú nhất là chờ đợi để săn cho được những hình ảnh sinh hoạt đời thường của đàn vọoc chà vá này.

Đây là loài linh trưởng voọc chà vá chân đen nằm trong nhóm động vật nguy cấp quý hiếm (thuộc nhóm 1B) và là loài được ưu tiên bảo vệ, vừa được Kiểm lâm Xuân Lộc phát hiện thời gian gần đây, rất cần được cộng đồng chung tay bảo vệ. Việc phát hiện đàn voọc chà vá chân đen sinh sống tại núi Chứa Chan thời gian qua, khiến người dân xung quanh không khỏi tò mò, hiếu kỳ đã có rất nhiều người tìm đến đây chờ cơ hội để tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt của loài động vật quý hiếm này. Chúng tôi cũng không ngoại lệ, phải khởi hành từ rất sớm, cũng phải mất hơn 30 phút bằng mô tô, chúng tôi mới đến được chân núi Chứa Chan (khu vực này thuộc địa phận xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc), ngồi nghỉ chân một chút anh Tôn Hà Quốc Dũng (Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm Xuân Lộc), thuyết minh rành mạch vị trí, thời gian và lộ trình mà đàn vọoc thường xuyên xuất hiện. Theo ông Dũng, đặc tính của loài này không ăn côn trùng, chỉ ăn lá cây và các loại hạt, quả rừng có nhiều màu sắc. Điều lạ nữa, voọc chỉ ăn phần ngon nhất của đọt cây vừa bẻ xuống nên quanh khu vực chúng kiếm thức ăn thường để lại phần thừa, dấu tích. Cũng theo ông Dũng, phạm vi hoạt động của đàn voọc rất rộng, đó là những khu vực có đá lộ thiên, dây leo, địa hình dốc cao, thảm thực vật rừng tự nhiên, phía dưới đá có nguồn nước chảy ngầm.


 55b7381a9b357b6b2224.jpg
Núi Chứa Chan - địa điểm xuất hiện đàn Vọoc 
chà vá chân đen​


Theo thói quen, buổi sáng mỗi ngày vào khoảng thời gian từ 7 giờ 30 đến tầm 10 giờ đàn vọoc bắt đầu xuất hiện, tại khu vực có nhiều cây xanh và nhiều tảng đá trắng (vị trí này ở độ cao 300 m, ngang tầm mắt với Thiên Sơn tự, ngôi chùa ở gần đấy rất tiện cho việc quan sát), đây là thời điểm trời nắng mạnh, nóng ấm, rất thích hợp cho chúng mon men trong những tàn cây xanh để kiếm ăn, sau đó tắm nắng trên những mõm đá trắng chờ tiêu hóa thức ăn theo cách riêng của mình, rồi hành trình di chuyển sang vạt cây tràm, cây da ở bên dốc suối Nước lạnh rồi khuất dần đi đâu đó vô định. Thức ăn của chúng thường là những đọt lá non, nên động tác ăn của chúng ít gây ra xáo động xung quanh nên rất khó phát hiện. Vả lại, loài linh trưởng này có thói quen khi đi kiếm ăn, chỉ cần tiếng động lạ là cả đàn nhanh chóng lẫn trốn dưới các vạt cây rừng. Vậy nên việc tiếp cận đàn voọc không hề đơn giản chút nào. Do đã nhận diện quen, nên ông Dũng luôn miệng hướng dẫn cách quan sát và các động tác chỉ tay về vị trí các cá thể vọoc đang xuất hiện, lúc thì ở mõm đá tam giác, lúc thì ở mõm đá mái nhà (là địa danh do các anh Kiểm lâm đặt để dễ định vị), lúc thì ở tàng cây lá xanh, lúc thì phóng qua tảng đá khác…phải tinh mắt và kinh nghiệm lắm mới có thể quan sát rõ được những cá thể voọc. Vừa chỉ tay hướng dẫn cho tôi theo dõi, ông Dũng vừa quay fiml, vừa chụp lia chụp lịa, tôi chưa kịp định hình xem chúng xuất hiện như thế nào thì ông Dũng đã hướng ống kính về nơi này, nơi khác, làm tôi hoa cả mắt. Với những người quen địa hình và hiểu cách sống của loài voọc như ông Dũng, chỉ khi nào chúng nhảy chuyển cành tìm thức ăn hoặc leo lên những tảng đá phơi nắng thì mới nhìn rõ chúng được.


DSC_9923.JPG
Theo chân nhân viên kiểm lâm tìm đến nơi đàn Vọoc hoạt động


        Buổi chiều, tầm khoảng từ 15 giờ, những cá thể voọc lại kéo nhau trở về nơi chúng tìm kiếm thức ăn buổi sáng, có lẽ đây là nơi xuất phát cũng là nơi dừng chân cuối cùng trong ngày của đàn voọc. Về đến đây, bọn chúng cũng tiếp tục tìm kiếm thức ăn còn sót lại, rồi ngồi nghỉ ngơi, nhảy múa và tắm nắng cho đến khi mặt trời ẩn khuất sau dãy núi xa xăm, kết thúc một ngày sinh hoạt của đàn voọc.

 5436140bb424547a0d35.jpg
Nhiếp ảnh gia đợi chờ đàn Vọoc xuất hiện để "săn"


Nơi chúng tôi ngồi quan sát, phải trèo qua một quả đồi bên cạnh ở độ cao tương đối khoảng 200m, đây là vị trí góc đối diện với đàn voọc. Vì khuất xa tầm mắt khoảng 300m, nên ở vị trí này phải nhìn qua ống nhòm hoặc Tele Zoom thì mới có thể thấy rõ được cảnh sinh hoạt rất tự nhiên của những cá thể vọoc.


 DSC_9930.JPG
Khoảnh khắc nhanh tay "Săn Vọoc"


Thỏa chí vì được tận mắt chứng kiến đàn voọc đi lại, sinh hoạt, nhưng muốn chụp vài tấm ảnh để lưu trữ thì quả là quá khó đối với tôi, khi mà phương tiện chụp ảnh của mình quá kém không thể tiếp cận được với đàn voọc.

 0daf6db1cd9e2dc0748f.jpg
Một tác phẩm "Săn Vọoc" thành công


Trên đường về, tôi có trao đổi với ông Dũng: “Ước gì, nơi đây thiết kế một số Camera quan sát, hoặc xây dựng một đài quan sát có độ cao vài trăm mét, trang bị kính viễn vọng phục vụ cho du khách quan sát đàn voọc sinh hoạt, chắc sẽ thu hút đông khách lắm đây”. Cười vui, ông Dũng cho biết: “Đến nay, đã có đủ cơ sở để khẳng định trên núi Chứa Chan có 2 quần thể voọc chà vá chân đen sinh sống trên khu vực núi Chứa Chan này (khoảng trên 30 cá thể). Dự án quản lý, bảo vệ cũng như tham quan đàn voọc trên núi Chứa Chan này đã được UBND tỉnh triển khai. Có giải pháp để Bảo tồn quần thể voọc chà vá chân đen, tạo môi trường thuận lợi cho voọc cư trú, kiếm ăn việc hạn chế sự hiện diện của con người trong vùng chúng sinh sống. Hiện tại, Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh đã phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội, lực lượng địa phương và Ban Quản lý và Bảo vệ rừng di tích Quốc gia núi Chứa Chan nhằm tăng cường công tác tuần tra, chốt trực các khu vực quan trọng để bảo vệ loài động vật quý hiếm này”.

 

Về đến trụ sở Hạt Kiểm lâm, ông Dũng lần lượt trình chiếu những thước film mà ông vừa quay được cho tôi xem để kiểm chứng, quả thật nhìn rõ mồn một nhiều cá thể voọc mặt xanh, đen trắng, nép mình trong những tán cây, những mõm đá….hình ảnh sống động, miêu tả cảnh sinh hoạt của đàn voọc đã tạo cho tôi thêm nhiều cảm xúc về thiên nhiên, môi trường sống của động thực vật trên núi Chứa Chan này, tôi vẫn mong sao mai này, nơi đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đón du khách từ khắp nơi đến tham quan trải nghiệm, nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Ngoài ra, còn mở ra nhiều loại hình dịch vụ, vừa giúp phát triển du lịch sinh thái rừng, vừa tạo điều kiện sống tốt hơn cho bà con sinh sống và làm rẫy ở đây, góp phần ngăn chặn những hành vi xâm hại của kẻ xấu ảnh hưởng đến khu vực sinh sống của đàn voọc chà vá này.

 

Được biết, “Hiện nay đã vận động được 9 hộ dân có rẫy gần núi tham gia vào lực lượng bảo vệ đàn voọc. Khi có thông tin gì họ sẽ tích cực phối hợp với anh em kiểm lâm làm nhiệm vụ. Về lâu dài, để người dân là “tai mắt” của mình, tuy nhiên Nhà nước cần hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho bà con yên tâm gắn bó với mình lâu dài hơn” -ông Tôn Hà Quốc Dũng cho biết thêm như thế.

Tôi cũng tin rằng, nơi này sẽ luôn là ngôi nhà chung của cộng đồng, để mọi người được chia sẻ, được góp phần bảo vệ động vật quý hiếm của Quốc gia, được bảo vệ môi trường sống của chúng ta và cho các thế hệ mai sau.

H Long

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Giới thiệu Sách

Bản đồ hành chính

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá Giao diện - Thông tin cập nhật trên Trang thông tin điện tử Thành phố Long Khánh

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ LONG KHÁNH

Cơ quan chủ quản: THÀNH ỦY-UBND THÀNH PHỐ LONG KHÁNH
Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh.
Địa chỉ: Cách Mạng Tháng Tám, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Email: longkhanhradio@gmail.com​

Số điện thoại: 02513.877.172 - 02513.877.124​