Luật giao dịch điện tử
Luật giao dịch điện tử quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch.
Luật Giao dịch điện tử, gồm 8 chương, 54 Điều.
Theo quy định tại Chương 1 “Những quy định chung", quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; áp dụng Luật Giao dịch điện tử; giải thích từ ngữ; nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử; chính sách phát triển và ứng dụng giao dịch điện tử; nội dung quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử; các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật này quy định về giao điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác không áp dụng các quy định của Luật giao dịch điện tử.
Về nguyên tắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự thỏa thuận và tự nguyện lựa chọn phương thức giao dịch (theo phương thức truyền thống hay giao dịch điện tử), tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ thực hiện giao dịch và phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình trong giao dịch điện tử. Không một công nghệ nào được coi là duy nhất trong giao dịch điện tử.
Trong giao dịch điện tử, sự bình đẳng và an toàn phải được bảo đảm; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng phải được bảo vệ.
Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực từ 01/07/2024 sẽ chấm dứt hiệu lực của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, trừ các trường hợp quy định chuyển tiếp tại Điều 53 của Luật Giao dịch điện tử 2023. Để tìm hiểu thêm các quy định Luật Giao dịch điện tử, các tổ chức và cá nhân có thể truy cập trang thông tin điện tử tại địa chỉ http://longkhanh.dongnai.gov.vn