Tận dụng mùn cưa, người ta thử trồng nấm mèo (còn gọi là mộc nhĩ). Và ở ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, trồng nấm mèo nay đã trở thành cả một làng nghề.
Với cách trồng nấm mèo của người dân ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang. Mùn cưa sau khi được xử lý bằng hơi nước nhiệt độ cao để loại bỏ các loại nấm mốc, côn trùng gây hại, sẽ được đóng bịch..., rồi vào meo. Meo tức là bào tử nấm để làm giống cho nấm sinh trưởng, phát triển. Vậy là xong phần phôi nấm.
Chị Nguyễn Thị Huê - Chủ cơ sở cung cấp phôi nấm mèo, ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang chuyên gia công bịch nấm để cung cấp cho các hộ trồng nấm ở ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang – làng nghề trồng nấm mèo lớn nhất thành phố Long Khánh.
Chị Nguyễn Thị Huê - Chủ cơ sở cung cấp phôi nấm mèo, ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang: “Nếu không phải là mùa chính, mình làm một ngày 10 ngàn bịch với 10 – 12 công nhân. Mùa cuối năm, vào vụ Tết thì thời tiết tốt, năng suất hơn mình làm tới 20.000 bịch/ngày với số lượng nhân công có thể tăng gấp đôi".
Công nhân làm việc tại cơ sở nấm
Những bịch nấm được cấy phôi sau đó được treo vào các nhà nấm, duy trì ánh sáng, độ ẩm thích hợp. Với mỗi thiên phôi nấm như thế này, năng suất trung bình đạt từ 40 đến 50 kg sau 3 tháng trồng, chăm sóc.
Giá bán nấm mèo hiện đang ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg, cho nông dân lợi nhuận khoảng 1.5 triệu mỗi thiên.
Ở đây, nhà nào làm ít cũng 10 thiên, nhà nào nhiều làm hàng trăm thiên nấm. Nhờ đó, dù giá cả cũng có lúc trồi sụt, nhưng nhiều gia đình đã có kinh tế khá giả từ nghề làm nấm mèo.
Anh Đặng Văn Năm, Người trồng nấm mèo, ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang: “Công việc cũng ổn định một vụ nấm thì kiếm được vài chục triệu. Mấy năm trước nấm thì làm được 3 vụ, giờ làm được 2 vụ. Nghề này thì ổn định, mình làm riết vậy thôi chứ không có bỏ".
Chăm sóc nấm mèo
Nghề trồng nấm mèo tại ấp Bàu Cối có từ khoảng năm 2000. Ban đầu chỉ có một vài hộ nuôi trồng nhỏ lẻ. 25 năm phát triển đến này đã có hàng trăm hộ làm nghề.
Nhờ có nguồn mùn cưa dồi dào làm giá thể, kỹ thuật trồng, chăm sóc lại không quá khó, nên dần dà ở đây đã hình thành cả một làng trồng nấm.
Một năm tùy hộ sẽ làm từ 2 đến 3 vụ nấm mèo, trong đó vụ chính là vụ Tết âm lịch.
Ông Phạm Khắc Hoan - Cán bộ Địa chính - nông nghiệp - môi trường xã Bảo Quang cho biết thêm: “Nghề trồng nấm giải quyết được lao động cho bà con tại địa phương. Địa phương sẽ tiếp tục phương án nhân rộng hiệu quả trồng nấm mèo, áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng tới nuôi trồng nấm sạch, với tiêu chí là sẽ xuất khẩu.
Để nghề làm nấm mèo phát triển bền vững hơn, hiện ở xã Bảo Quang đã có 1 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác nuôi trồng và sơ chế nấm.
Từ năm 2020, đề tài nghiên cứu về xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho nấm mèo Long Khánh đã được nghiệm thu và bàn giao cho địa phương.
Nấm mèo (mộc nhĩ) xuất hiện phổ biến trong ẩm thực của người châu Á vì nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thế nên làng nấm mèo ở Bàu Cối đã duy trì và ngày càng phát triển suốt ¼ thế kỷ qua.