Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ, TINH, GỌN, MẠNH, TIẾN LÊN HIỆN ĐẠI
Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM: NÂNG TẦM NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI
Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
Đổi thay vùng đất Bàu Trâm

Xã Bàu Trâm, thành phố Long Khánh trước đây vốn là “vùng đất khó”, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cùng sự nỗ lực không ngừng của nhân dân đã giúp vùng đất này có nhiều đổi thay rõ nét.

Một ngày cuối tháng 8-2024, theo đoàn cán bộ xã đến tham quan khu di tích Căn cứ Thị ủy Long Khánh, tại ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm. Di tích đã được tôn tạo, tu sửa khang trang và trở thành điểm tham quan du lịch lịch sử - văn hóa cho du khách trong và ngoài nước.

457247882_1118097659765367_6671366253499404901_n.jpg
Khu di tích Căn cứ Thị ủy Long Khánh, tại ấp Bàu Sầm

Từ năm 1966 - 1975, Căn cứ Thị ủy Long Khánh phải di chuyển ở nhiều nơi trên địa bàn Long Khánh, nhưng hai địa điểm ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm và ấp 18 Gia đình, xã Bao Quang đã đi vào lịch sử của Thị ủy Long Khánh như một biểu tượng sáng ngời; đây là nơi Thị ủy Long Khánh thành lập và chỉ đạo các hoạt động cách mạng lâu nhất cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Năm 2015, UBND tỉnh đã ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử Căn cứ Thị ủy Long Khánh là di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, những gian lao thử thách, những hy sinh mất mát của quân và dân Long Khánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây là biểu tượng cho ý chí, sức mạnh toàn dân, là chỗ dựa về mặt chính trị, tinh thần khích lệ quân và dân Long Khánh trong kháng chiến.

Người dân Long Khánh rất tự hào với khu di tích lịch sử, bởi đây là “địa chỉ đỏ” để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của địa phương.

Ông Vũ Văn Châm, Chủ tịch Hội Cựu chiến xã Bàu Trâm cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi thường phối hợp với đoàn thanh niên và nhà trường tổ chức tuyên truyền về truyền thống cách mạng vào các dịp lễ lớn trong năm, để các thế hệ trẻ ghi nhớ, trân trọng và biết ơn các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu của mình để có được độc lập, tự do như hôm nay. Qua đó, thế hệ trẻ tiếp tục tiếp nối truyền thống cha, anh để xây dựng quê hương Bàu Trâm ngày càng phát triển”.

457498534_1118097806432019_5097260599583908175_n.jpg
Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh​

Bàu Trâm có diện tích tự nhiên gần 1,2 ngàn héc ta và có hơn 2,4 ngàn hộ với hơn 9 ngàn nhân khẩu. Đặc thù xã Bàu Trâm là đa số đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn tương đối cao hơn những địa phương khác trên địa bàn thành phố Long Khánh. Trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong khi thổ nhưỡng không thuận lợi do đất đá nhiều, hệ thống thủy lợi còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển ngành nông nghiệp.

Bàu Trâm hôm nay có nhiều sự “thay da, đổi thịt”, những vùng đất sỏi đá, hoang hóa ngày nào đã thay bằng các vườn cây ăn trái tươi tốt; những căn nhà tạm bợ được thay thế bởi các ngôi nhà xây tường khang trang; những con đường đất “nắng bụi, mưa lầy” đã thay bằng các con đường nhựa hóa, bê tông hóa kiên cố, sạch đẹp. Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên. Để được kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Bàu Trâm.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước quan tâm và cho đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng trên địa bàn Bàu Trâm. Như hệ thống giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa đến khắp các ngõ hẻm; các trường học được xây dựng ở những vị trí phù hợp nhằm giúp cho học sinh đến trường học thuận lợi; trạm y tế được xây dựng nhằm chăm lo sức khỏe cho bà con; điện lưới quốc gia được kéo về tận nơi nhằm giúp bà con sử dụng trong sinh hoạt và tăng gia sản xuất… Nhờ đó, người dân Bàu Trâm có cơ hội phát triển kinh tế, đời sống ngày càng nâng lên.

Ông Lê Văn Hiểu, Trưởng ấp Bàu Sầm cho biết: “Cuộc sống của người dân ấp Bàu Sầm trước đây gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, các cấp Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chăm lo cho bà con bằng nhiều chính sách thiết thực như: tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; giới thiệu các nguồn vay vốn ưu đãi để bà con có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình… Nhiều gia đình nhờ đó đã vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống. Khi đời sống được nâng lên thì người dân tích cực tham gia góp sức vào sự phát triển bộ mặt của địa phương, đặc biệt là chương trình nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện tất cả các tuyến đường trên địa bàn ấp Bàu Sầm đều được bê tông hóa 100%, các ngõ hẻm đều có điện chiếu sáng. Bà con luôn ý thức trong việc dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn môi trường sống luôn sáng, xanh, sạch, đẹp nhằm góp sức cùng địa phương sớm hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu”.

457814543_1118097953098671_4548948186229256133_n.jpg
Tuyến đường nhựa trên vùng đất Bàu Sầm

Đặc thù vùng đất Bàu Sầm có nhiều sỏi đá và rất “kén” nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, vùng đất này lại thích hợp cho cây chôm chôm sinh trưởng, phát triển tươi tốt và luôn chín sớm hơn các vùng khác nên bán được giá cao. Từ đó, chôm chôm được xem là cây trồng chủ lực của địa phương hiện nay. Ngoài ra, nhiều gia đình đã tận dụng nguồn thức ăn dồi dào từ làm nông nghiệp để đầu tư vào mô hình nuôi dê và cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Đức Lịch, Trưởng ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm chia sẻ: “Trước đây, người dân ấp Bàu Trâm chủ yếu làm nông nghiệp bằng thủ công truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Những năm gần đây, khi công nghệ phát triển, nhiều gia đình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt, chăn nuôi bằng việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để giảm nhân công lao động, vừa tăng năng suất. Ví dụ, 1 héc ta trồng lúa trước đây chỉ cho thu hoạch khoảng 4-5 tấn. Còn khi áp dụng khoa học vào sản xuất thì 1 héc ta trồng lúa cho thu hoạch lên đến 6-7 tấn. Hiện trên địa bàn ấp Bàu Trâm có một số cây trồng hiệu quả được bà con duy trì ổn định là chôm chôm, sầu riêng, bưởi, lúa, bắp… Ngoài ra, nghề trồng nấm mèo trên địa bàn cũng rất phát triển, giúp cho nhiều gia đình ăn nên, làm ra”.

Chủ tịch UBND xã Bàu Trâm Nguyễn Phương Nam cho biết: "Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Bàu Trâm thời gian qua đã có nhiều nỗ lực vượt khó, hoàn thành các tiêu chí để được công nhận nông thôn mới vào năm 2014, đến năm 2019 được công nhận nông thôn mới nâng cao. Hiện toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đang quyết tâm hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024."

Minh Anh

Giới thiệu Sách

Bản đồ hành chính

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá Giao diện - Thông tin cập nhật trên Trang thông tin điện tử Thành phố Long Khánh



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ LONG KHÁNH

Cơ quan chủ quản: THÀNH ỦY-UBND THÀNH PHỐ LONG KHÁNH
Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh.
Địa chỉ: Cách Mạng Tháng Tám, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Email: longkhanhradio@gmail.com​

Số điện thoại: 02513.877.172 - 02513.877.124​