Thực hiện Kế hoạch số của UBND tỉnh Đồng Nai về việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn năm 2020-2025. Căn cứ Hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. UBND thành phố Long Khánh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ “Phân loại, thu gom và quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn" trên địa bàn thành phố Long Khánh năm 2023. Theo đó, nhằm mục đích, chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp; tiết kiệm chi phí thu gom, xử lý; tiết kiệm tài nguyên; giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Mỗi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn khi có phát sinh.
UBND thành phố Long Khánh yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Phân loại rác tại nguồn" trên địa bàn thành phố. Xác định các vấn đề ưu tiên và đề ra các biện pháp thực hiện nhiệm vụ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong năm 2023 để các cơ quan, đơn vị, các tổ chức cá nhân và UBND các phường, xã chủ động trong việc triển khai thực hiện. Các đơn vị thực hiện đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong việc thực hiện nhiệm vụ “Phân loại, thu gom và quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn" trên toàn địa bàn thành phố nhằm hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn đến tất cả các người dân trong thành phố. Qua đó tạo chuyển biến tích cực, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Tuyên truyền đến các hộ dân, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh “Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần" như ống hút, chai nước suối, hộp xốp đựng cơm, thức ăn; chén, dĩa, ly, muỗng nhựa sử dụng một lần… trong các hoạt động hàng ngày; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường; thúc đẩy tiêu dùng bền vững; khuyến khích người dân sử dụng vật liệu tái chế và các sản phẩm có khả năng tái sử dụng, các sản phẩm sinh thái, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Vận động Nhân dân đăng ký và đóng phí thu gom rác thải sinh hoạt để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến cuối năm 2023, mỗi phường, xã trên địa bàn thành phố lựa chọn khu vực (khu dân cư, tổ khu, ấp, tuyến đường,...) thực hiện hiệu quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hoàn thành việc chuẩn hóa trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật trong quá trình phân loại, lưu giữ, thu gom, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hoàn thiện việc tổ chức sắp xếp các đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố và các phường, xã đảm bảo về thời gian, tần suất và phương tiện thu gom. Xây dựng lực lượng tuyên truyền viên cấp thành phố và cấp xã gồm đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan, các Trưởng khu phố, Tổ trưởng tổ dân phố, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã,... Đây là lực lượng nòng cốt, đào tạo, cập nhật liên tục các quy định và kịp thời thay thế để đảm bảo lực lượng xuyên suốt trong quá trình thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị, các trường học, chung cư, các khu vực vui chơi giải trí, các khu vực công cộng, bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ là các khu vực ưu tiên triển khai thực hiện. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tổ chức chính trị - xã hội gương mẫu chấp hành, thực hiện. Hưởng ứng hiệu quả Chương trình “Hạn chế sản phẩm nhựa và túi nylon sử dụng một lần" nhằm hạn chế phát sinh rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hình thành thói quên phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở từng cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tạo ý thức tự giác chấp hành phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.