Ngày nay, người dân Long Khánh đã dần thay đổi về tư tưởng,
nhận thức và hành động, bước đầu sẵn sàng trải nghiệm, đón nhận để được thừa
hưởng những giá trị từ chuyển đổi số. Các tầng lớp nhân dân đang dần trở thành
nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động phát triển
mạnh như: giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ điện, nước, truyền
hình số, thuế, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các thủ
tục hành chính, sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế điện tử, sử dụng dịch vụ khám chữa
bệnh từ xa …. Với phương châm: chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm,
chủ thể và động lực, có thể thấy trong tất cả các kế hoạch, chương trình, mô
hình chuyển đổi số của thành phố trẻ Long Khánh đều đặt mục tiêu phục vụ người
dân, doanh nghiệp tốt hơn. Sự hưởng ứng, sử dụng các nền tảng số của nhân dân
sẽ trở thành một tác nhân quan trọng thúc đẩy ngược lại để chính quyền chuyển
đổi số mạnh mẽ hơn.
* Chuyển
đổi số đa lĩnh vực.
Là
trung tâm vùng kinh tế phía Đông của tỉnh, Long Khánh là một thành phố trẻ đã
và đang tăng tốc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, phấn đấu trở thành
thành phố phát triển toàn diện, thúc đẩy chuyển đổi số ở hầu hết các lĩnh vực:
công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch… mang những sắc thái riêng.

Tập huấn chuyển đổi số tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Long Khánh
Long Khánh là một trong những địa phương đầu
tiên của tỉnh Đồng Nai thí điểm xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh;
đưa vào hoạt động từ tháng 10/2021 với 6 module thí điểm gồm: Giám sát điều
hành Giao thông và An ninh công cộng; Hệ thống Phản ánh hiện trường, phản ánh
kiến nghị của người dân; quản lý thông tin báo chí và truyền thông; dịch vụ
công và giám sát hỏi đáp ý kiến người dân 1022; thông tin y tế, giáo dục.
Xác định ứng dụng công nghệ thông tin, phát
triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, thành
phố Long Khánh đã chọn cách làm mới, đặc trưng riêng của thành phố, tạo nên khí
thế chuyển đổi số sôi động, lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, địa phương,
doanh nghiệp và nhân dân trên toàn thành phố. Chuyển đổi số chỉ có thể thành
công nếu lấy người dân làm trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân.

Phòng một cửa thành phố Long Khánh phục vụ người dân
Đơn cử
như việc xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố. Ứng dụng kết nối với
Trung tâm IOC: ứng dụng được chuẩn hóa để cài đặt cho các phòng, ban, UBND các
xã, phường trên địa bàn thành phố, phân quyền truy cập cho 526 cán bộ ở các cơ
quan trên toàn địa bàn thành phố. Cung cấp app “LONGKHANH SMART” trên thiết bị
smartphone thuộc hệ điều hành của IOS và hệ điều hành Android; tiếp nhận và xử
lý phản ánh của người dân thông qua hệ thống phản ánh hiện trường. Triển khai
hướng dẫn người dân cài đặt, có 20.442 người dân tải và cài đặt ứng dụng. Hệ thống
camera giám sát với tổng số 50 camera được sử dụng trong các lĩnh vực giao
thông, y tế, giáo dục, an ninh trật tự,... Kết quả xử lý các phản ánh được người
dân đánh giá là hài lòng cao.
"Ứng
dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên nền tảng thiết bị di động", đưa các tiện ích, thông tin đóng - hưởng BHXH, BHYT tiến tới tích hợp,
cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến lên ứng dụng trên
thiết bị di động là bước đi phù hợp xu hướng chuyển đổi số, xây dựng chính phủ
số, quốc gia số hiện nay. Để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh
xã hội của đất nước, việc ứng dụng VssID và các ứng dụng khác của ngành bảo hiểm
đã và đang phát huy tối đa hiệu quả
Ông Nguyễn Tiến Danh – Giám đốc BHXH Long
Khánh chia sẻ thêm: “Sử dụng VSSID người dùng còn thể hiện vai trò
giám sát với nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng
lao động đối với người lao động góp phần công khai minh bạch, hạn chế việc trốn
đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của các đơn vị
và doanh nghiệp”.
Hiện nay, ngành Công an đang thực hiện công tác cấp tài khoản
định danh điện tử, góp phần vào việc giải quyết các thủ tục hành chính theo
hướng thuận lợi hơn, giảm thiểu phiền hà cho người dân.

Tổ cấp CCCD lưu động đang thực hiện thu nhận hồ sơ CCCD cho người lớn tuổi tại nhà
Thiếu
tá Mai Công Luận – Phó Trưởng công an thành phố Long Khánh cho biết. “Tài khoản định danh điện tử tích hợp toàn bộ
giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử, giúp công dân giảm thiểu được giấy tờ
tùy thân, chỉ cần sử dụng định danh điện tử Quốc gia là có thể đảm bảo được
thông tin giấy tờ đã được tích hợp đầy đủ, hiệu lực pháp lý để sử dụng thay thế
các giấy tờ vật lý truyền thống cũng như sử dụng trên môi trường điện tử”.

Điều dưỡng tiến hành nhập thông tin của bệnh nhân vào hệ thống Bệnh án điện tử
Lĩnh vực y tế, một trong đột phá mới trong công nghệ
số đó là Bệnh án điện tử (hay bệnh viện không giấy tờ) được triển khai thành
công tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh là bước đột phá của ngành y tế
Đồng Nai trong những năm qua. Với thành công này, Bệnh viện là một trong 12 đơn
vị y tế của cả nước được Bộ Y tế vinh danh là đơn vị tiên phong trong chuyển
đổi số y tế năm 2020.
Không
phải cầm hồ sơ bệnh án giấy hay các phim siêu âm, X-quang trên tay, các bác sỹ
tại bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh giờ đây khi đi khám bệnh cho bệnh nhân
nội trú chỉ cần chiếc ipad nhỏ gọn như thế này là đã có tất cả thông tin của
bệnh nhân. Hiện bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã hoàn toàn thay thế bệnh
án giấy bằng bệnh án điện tử. Ngoài tạo môi trường làm việc hiện đại, giảm tải
cho bác sỹ, điều dưỡng, từ khi triển khai bệnh án điện tử, Bệnh viện đã tiết
kiệm được 3 tỷ đồng chi phí mua hồ sơ bệnh án giấy, văn phòng phẩm, các phim
chụp chiếu.v.v… Trước đây trung bình mỗi năm bệnh viện có khoảng 80 ngàn bệnh
án giấy nội trú và ngoại trú, phải lưu trữ từ 10-30 năm, nhưng nay bệnh viện đã
giải phóng kho lưu trữ hồ sơ giấy và chuyển đổi kho này làm khoa Nội tim mạch -
Lão học với 60 giường bệnh. Đây được đánh giá là thành công nhất từ khi triển
khai bệnh án điện tử.
Bác sỹ Phan Văn Huyên – Giám đốc Bệnh viện Đa
khoa khu vực Long Khánh cho biết:“Trước đây chưa triển khai CNTT thì mỗi bệnh
nhân đi khám bệnh, thời gian đăng kí làm thủ tục phải mất 30-40 phút, tạo ra rất
nhiều rất hệ lụy. Nhưng từ khi triển khai CNTT ở Bệnh viện Long Khánh, theo thống
kê thì hiện nay là 1 bệnh nhân đi đăng kí khám bệnh chỉ mất 5-10 phút hoặc là
ít hơn nữa”
Tại thành
phố Long Khánh,
ngành Giáo dục và đào tạo
thành phố đã triển khai ứng dụng CNTT trong dạy và học, trong tập huấn, bồi dưỡng
giáo viên qua mạng đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đồng thời
đã triển khai phần mềm “Hệ sinh thái quản lý giáo dục Việt Nam VnEdu” đến tất cả
các trường học, liên thông từ cấp cơ sở giáo dục đến cấp Phòng - cấp Sở; triển
khai quản lý hồ sơ điện tử (sổ điểm điện tử, học bạ điện tử).
Bên cạnh đó, thời gian qua, các ngành chức
năng, nhất là Phòng Kinh tế thành phố Long Khánh đã phối hợp với Sở Công thương
hỗ trợ kết nối, đưa các sản phẩm thế mạnh của thành phố, sản phẩm OCOP, công
nghiệp nông thôn tiêu biểu, trái cây đặc sản của địa phương lên các sàn thương
mại điện tử, trong đó có sàn thương mại điện tử của Đồng Nai (ecdn.vn)
Ông Phan Trần Thiên Lý - Phó Trưởng Phòng
Kinh tế thành phố cho biết:“Việc tham
gia sàn giao dịch điện tử đã mang lại cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất những lợi
ích thiết thực như: tăng doanh thu, cắt giảm được chi phí quãng cáo, dịch vụ tốt
hơn đối với khách khách, tạo ra một kênh bán hàng hiệu quả, lợi thế cạnh tranh
cao, mở rộng được thị trường”.
Hiện nay, thành phố Long Khánh phối hợp thực
hiện đề án “Giải pháp lưu giữ và phát triển bền vững các giống cây ăn quả có chỉ
dẫn địa lý của thành phố Long Khánh”, đã hoàn thiện việc gắn 280 mã QR và cập
nhật thông tin, dữ liệu (số mã chỉ dẫn của cây, tên vườn, địa chỉ, điện thoại,
mã số cây, năm trồng, năng suất bình quân, tọa độ địa lý) trên cây chôm chôm
Tróc và Nhãn tại ba hộ tham gia thực hiện thí điểm tại xã Bình Lộc.
Chủ
vườn chôm chôm Nguyễn Duy Khánh - Ấp Cây Da – xã Bình Lộc – Thành phố Long
Khánh cho biết:“TP.Long
Khánh đang hướng tới trồng chôm chôm và thu hoạch chôm chôm khi chủ nhân ở xa theo hình thức online. Khi người muốn
mua cây chôm chôm và chờ thu hoạch chỉ cần
check lên mã QR này thì sẽ hiện rõ thông tin cây chôm chôm để mình lựa chọn và mua. Khách
có thể đặt hàng cây chôm
này cho chủ vườn chăm sóc, đến khi nào gia đình muốn về thu hoạch thì tận tay
hái và nhìn thấy cây chôm chôm. Đây là hình thức mới đang dần triển khai, chủ
nhân có thể ở nước ngoài hoặc các tỉnh trên cả nước, biết được thông tin của
cây chôm chôm này”.
* Lấy người dân làm trọng tâm của chuyển đổi
số
Chuyển
đổi số không chỉ là sự thay đổi về công nghệ, mà còn là sự thay đổi tư duy sáng
tạo của lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, xã hội, người dân trong thời đại
4.0. Long Khánh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, triển khai hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công
trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; triển khai thêm một số hợp
phần của Trung tâm điều hành thông minh thành phố; ưu tiên triển khai chuyển đổi
số trong một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng,
nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên - môi trường, sản xuất
công nghiệp; đồng thời tiếp tục phát triển hạ tầng số, nền tảng số, kiến tạo thể
chế, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về
chuyển đổi số, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghệ số hướng đến
phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thời
gian qua, đơn vị thành phố Long Khánh, được tỉnh đánh giá rất cao trong công
tác giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của thành
phố chiếm đến 99,63%. Ngoài ra, TP.Long Khánh còn được tỉnh đánh giá cao trong
việc chủ động triển khai và duy trì hiệu quả sáng kiến tiếp xúc cử tri qua hình
thức trực tuyến. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh tổ chức tiếp xúc cử
tri bằng hình thức này, thay vì tổ chức tiếp xúc cử tri tập trung ở một điểm
với cử tri của nhiều phường, xã đến tham dự, khi tổ chức tiếp xúc trực tuyến,
mỗi phường, xã có một điểm cầu, cử tri phường, xã nào dự ở phường, xã đó. Nhờ
vậy, vừa giúp hạn chế tập trung đông người mà nội dung và chất lượng tiếp xúc
cử tri vẫn được đảm bảo.
Từ đầu năm đến nay, trên Cổng Dịch vụ công và
Hệ thống thông tin một cửa điện tử của thành phố đã tiếp nhận 1.625 hồ sơ trực
tuyến trên tổng số 8.632 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn đạt 100%.
Đặc
biệt, với sức trẻ, nhiệt huyết, sự năng
động, nhạy bén với khoa học - công nghệ, đội ngũ đoàn viên thanh niên của thành
phố được coi là lực lượng nòng cốt trong quá trình chuyển đổi số của địa
phương, trong đó nổi bật là các tổ công nghệ số mà thành phần chính là các đoàn
viên, thanh niên đã góp phần tuyên truyền về chuyển đổi số và vận động, hướng
dẫn người dân cài đặt các ứng dụng Long Khánh Smart, ứng dụng định danh điện tử
(VNeID) và một số ứng dụng tiện ích khác…, qua đó góp phần vào sự phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn
Khánh Nam – Phó Bí thư Thành đoàn Long Khánh cho biết mục đích thành lập tổ
công nghệ số cộng đồng: “Đây là đối
tượng thanh niên, các bạn là đội ngũ trẻ, tiếp cận nhanh, tìm hiểu các ứng dụng,
nội dung liên quan đến chuyển đổi số để truyền tải những kiến đến các đối tượng
khác. Tuyền truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các nội dung cài đặt, các ứng
dụng để giúp người dân tham gia quá trình chuyển đổi số nó thuận tiện, dễ dàng
hơn”.

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân sử dụng App Chuyển đổi số
Chuyển
đổi số hiện nay đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu, tạo ra nhiều cơ hội
nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Chuyển đổi số thành công, sẽ
đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia.
Ông Tăng Quốc Lập – UVTV - Phó chủ tịch UBND
thành phố Long Khánh cho biết thêm:“Thành phố cũng xác định mục tiêu của việc
chuyển đổi số là tối ưu hóa cái quản lí điều hành của Nhà nước, nâng cao hiệu
quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và quan
trọng nhất là các tiện ích dành cho người dân. Với 3 cái yếu tố này, yếu tố người
dân là yếu tố đóng vai trò quyết định, thành phố xác định sẽ có những giải pháp
công dân số của thành phố. Theo đó thì người dân sẽ được hỗ trợ về ứng dụng
công nghệ thông tin, sử dụng các cái app, phần mềm, đặc biệt là thực hiện các dịch
vụ công trực tuyến để đảm bảo lợi ích cho người dân. Ngoài những cái chủ
trương, giải pháp chung thì thành phố cũng đã thành lập các tổ công nghệ số cộng
đồng thì với lực lượng chủ chốt là các bạn đoàn thanh niên thì sẽ là những lực
lượng nòng cốt trong việc hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân trở thành công dân số
để thực hiện tốt nhất quá trình chuyển đổi số của thành phố”.
Trong
bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đang trở thành động lực lớn nhất tạo ra sự
phát triển đột phá trên các mặt quản lý, kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số tạo ra
sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện từ Chính phủ đến các địa phương,
đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, người dân và trong mọi lĩnh vực. Trên cơ
sở nhận diện những vấn đề cơ bản, một số nhân tố chủ yếu tác động đến quá trình
chuyển đối số. Mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng
hoạch định cho mình một chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi
số phù hợp. Người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy là người tư
duy, lựa chọn định hướng, xác định mục tiêu, ra đề bài về chuyển đổi số và quan
trọng hơn là luôn đồng hành trên hành trình chuyển đổi số.
Cuộc
sống tốt đẹp hơn khi mỗi người dân Long Khánh sẽ là những Công dân số thân
thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; tôn trọng và thực hiện quy tắc
ứng xử, chuẩn mực đạo đức trong quá trình tiếp cận, tham gia các hoạt động giao
tiếp trên môi trường số. Từ đó, hình thành, duy trì chuẩn mực đạo đức, văn hoá
trong môi trường số giúp bảo vệ thể chất, tâm lý của công dân trước các ảnh
hưởng từ môi trường số./.
Minh Huệ