Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đang góp phần thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thống sang tích cực, phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, khích lệ tinh thần học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, tạo thuận lợi hơn trong quản lý giáo dục. Năm học 2024 - 2025, chuyển đổi số tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm được ngành Giáo dục thành phố Long Khánh tiếp tục tập trung thực hiện.
Có thể nói trong nhiều năm qua, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi mô hình tổ chức giảng dạy với nội dung và cách dạy dựa trên các bài học điện tử. Thực hiện chuyển đổi số, cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Nhờ chuyển đổi số, các trường xây dựng và giảng dạy bằng giáo án điện tử, quản lý bằng học bạ điện tử và thu học phí, bảo hiểm theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Giáo viên trường TH Kim Đồng sử dụng giáo án điện tử
Thay vì soạn giáo án thủ công, giáo viên sử dụng giáo án điện tử và chữ ký số. Các kế hoạch, văn bản điều hành, chỉ đạo của ban giám hiệu đều sử dụng bằng văn bản mềm không dùng văn bản giấy. Chuyển đổi số đã rút ngắn thời gian soạn giáo án, giảm được công sức chuẩn bị đồ dùng dạy học, đồng thời giờ học cũng sinh động, hấp dẫn hơn, học sinh dễ tiếp thu hơn thông qua hình ảnh sinh động và nhiều kiến thức ngoài sách giáo khoa…
Chia sẻ về chuyển đổi số trong công tác chuyên môn, cô Nguyễn Thị Oai, giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng, phường Xuân An chia sẻ: “Nhiều năm qua tôi và các bạn giáo viên trong trường tiểu học Kim Đồng đã sử dụng tivi, màn hình chiếu, bảng tương tác thường xuyên và liên tục. Từ việc lấy hình ảnh, các clip đưa vào bài giảng giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn, nhớ bài lâu hơn và các em thoải mái học tập, không gò ép. Việc ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế trong bài giảng thì rất là quan trọng trong công tác dạy và học của tất cả giáo viên chúng tôi."
Cô Nguyễn Thị Oai ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy hàng ngày
Cô Đinh Thị Thanh Tiến, giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng, phường Xuân An chia sẻ: “Thiết bị công nghệ như là máy chiếu thì phục vụ cho chúng tôi rất nhiều trong việc dạy học và truyền tải kiến thức cho học sinh. Ngoài những bài giảng điện tử ra thì chúng tôi cũng có thể chuẩn bị thêm hình ảnh và video hoặc là nhiều trò chơi hơn nữa để cho các em thích thú hơn trong các tiết học. Những hình ảnh hay video tôi sưu tập được là thực tế với tình hình địa phương, thực tế với học sinh trong trường. Ví dụ như sưu tập được hình ảnh học sinh bảo vệ môi trường, tưới cây hay dọn dẹp vệ sinh trong lớp để trong những tiết hoạt động trải nghiệm thì tôi sẽ thông qua những hình ảnh đó để giáo dục các em."
Có phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin hỗ trợ, giáo viên có thể khai thác rất nhiều kiến thức, tư liệu, hình ảnh minh họa đưa vào bài giảng cho nội dung của tiết học thêm sinh động, học sinh hứng thú hơn với bài giảng. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin rất tiện ích, hỗ trợ giáo viên soạn bài, giảng bài trên lớp thuận lợi hơn, học sinh rất hứng thú, tương tác nhiều hơn…Em Nguyễn Ngọc Minh Tâm, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ: “Hiện nay các thầy cô ở trong trường con đã giảng dạy với nhiều hình thức sinh động thú vị hơn bằng cách là cô giáo sẽ chuẩn bị cho tụi con video, những hình ảnh ở trên bảng tương tác và khiến cho tụi con cảm thấy thích thú trong việc học hơn. Ví dụ như là môn Toán thì cô giáo tìm những hình ảnh cho tụi con nhìn dễ hơn ở trong sách giáo khoa khiến tụi con nhớ bài hơn và tiếp thu kiến thức nhanh hơn."
Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, thời gian qua các trường học trên địa bàn thành phố đã sử dụng hiệu quả các phần mềm quản trị nhà trường như phần mềm kiểm định chất lượng, quản lý nhân sự, quản lý kế toán và y tế.. Hiện nay 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT số hóa hồ sơ nhân sự, học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo. Từ đó giảm bớt hồ sơ sổ sách giấy tờ các thủ tục hành chính rườm rà. Thực hiện chuyển đổi số, các trường học trên địa bàn thành phố đã sử dụng thành thạo và hiệu quả các phầm mềm trình chiếu power point, phần mềm e-leaming, … Tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đều sư dụng phần mềm Vnedu để quản lý học sinh, thời khóa biểu, sổ liên lạc, học bạ, giáo án điện tử. Bên cạnh đó, các trường đã triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, sẵn sàng dạy trực tuyến khi có yêu cầu. Đến nay 100% trường học được kết nối internet cáp quang, tốc độ đường truyền ổn định. 100% trường học có phòng máy tính đáp ứng nhu cầu học tập môn Tin học. Các trường học trên địa bàn thành phố đã xây dựng kho học liệu trực tuyến với nhiều bài giảng, video bài giảng, tài liệu học tập đồng thời cung cấp nhiều đề thi thử cho học sinh.
Các em học sinh trường Tiểu học Kim Đồng tương tác trực tiếp vối thiết bị màn chiếu trong môn Toán
Bà Lê Vân Anh – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Long Khánh cho biết: “Đối với việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành như vậy thì thời gian qua thì cũng đã mang đến những lợi ích rất là thiết thực cho công tác quản lý cũng như công tác giảng dạy của giáo viên. Trong công tác quản lý thì lãnh đạo có thể tra cứu số liệu thông tin khi cần thiết trên cơ sở dữ liệu ngành và cán bộ quản lý giáo viên thì thực hiện việc lưu trữ hồ sơ giáo án trên các phần mềm quản lý chuyên ngành. Điều này hạn chế việc lưu hồ sơ giấy cồng kềnh và mất rất nhiều thời gian. Đối với giáo viên và học sinh thì sẽ có được nguồn học liệu rất là phong phú để tham khảo và vận dụng vào việc dạy và học của bản thân mình."
Có thể thấy, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại 4.0, với những kết quả tích cực từ chuyển đổi số giáo dục đạt được thời gian qua sẽ là động lực quan trọng, để từ đó tiếp tục phấn đấu, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong thời điểm hiện tại cũng như thời gian tới. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.