Chúng tôi đến nhà Cựu chiến binh Trần Đình Ngũ, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. 70 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là niềm tự hào và để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng mỗi cựu chiến binh tham gia chiến dịch.
Có dịp gặp gỡ và trò chuyện với cựu chiến binh Trần Đình Ngũ, hiện đang sống tại tổ 14, khu phố Núi Tung, phường Suối Tre. Năm nay đã 94 tuổi, sức khoẻ giảm sút rất nhiều, nhất là thính giác hầu như không nghe được gì, nhưng cựu chiến binh Trần Đình Ngũ vẫn còn nhớ ít nhiều về ký ức của những ngày chiến đấu đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của các pháo thủ Đại đoàn pháo binh 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Cựu chiến binh Trần Đình Ngũ
Ông Ngũ cho biết, ông sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Thái Bình. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, năm 1949, khi mới 19 tuổi, ông đã giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng và gia nhập QĐND Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã tham gia các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Hải Phòng, Quang Trung, Sơn La, Sầm Nưa….
Trải qua gần một năm học tập, huấn luyện, cuối năm 1953, đơn vị của ông Ngũ được lệnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh Trần Đình. Đây là cuộc hành quân với quãng đường dài, đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối về người và pháo, đến Điện Biên Phủ đúng thời gian dự kiến. Cuộc hành quân ra trận lần này đã để lại trong tâm trí cựu chiến binh Trần Đình Ngũ nhiều dấu ấn.
Ông Ngũ thuật lại: Trong quá trình di chuyển, bộ đội ta phải vượt qua nhiều địa hình phức tạp, với đồi núi cao, dốc lớn, các con đường bí mật xuyên rừng, băng qua nhiều sông, suối. Dù trải qua hành trình gian khổ, vất vả, nhưng không khí hành quân ra trận của bộ đội và dân công ta luôn bừng bừng khí thế, tràn ngập ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù.
Ông nhớ lại: "Đối với những người lính pháo binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi không thể nào quên được những chặng đường kéo pháo từ Nà Nhạn vào trong lòng chảo, tiếp cận với quân địch. Nhằm đảm bảo tính bí mật, chúng tôi kéo pháo vào ban đêm, không được soi đèn, chỉ có 2 chiến sĩ khoác mảnh dù trắng đi trước làm hoa tiêu, chỉ cần sơ suất nhỏ là cả người và pháo đều rơi xuống dưới. Anh em rất vất vả, mỗi đêm thường chỉ kéo được hơn 1km, nhưng được sự động viên của chỉ huy nên chúng tôi đều quyết tâm kéo từng khẩu pháo vào trận địa".
Trên chiến trường Điện Biên Phủ, nhiệm vụ chính của những người lính pháo cao xạ là chiến đấu với không quân địch, bảo vệ cho bộ binh chiến đấu. Ông Ngũ cho biết, để có thể đánh phá được không lực hùng hậu của đối phương, các pháo thủ phải có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn: “Mỗi người trong một khẩu đội pháo có một chức năng, nhiệm vụ riêng, nhưng đều phải thống nhất, phối hợp nhuần nhuyễn trong vận hành để đạt hiệu quả chính xác nhất".
Chiều tối 13/3/1954, bộ đội ta nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau màn pháo kích vào trận địa của pháo binh ta, các đơn vị của Đại đoàn 312 tiến công đánh chiếm khu vực đồi Him Lam, trước sức tấn công ào ạt, mãnh liệt của bộ đội ta, chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ, quân ta đã làm chủ thế trận, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Rạng sáng ngày 14/3, sau khi chiếm được đồi Him Lam, các đơn vị pháo cao xạ được lệnh sẵn sàng chiến đấu, với nhiệm vụ bảo vệ cho các đơn vị bộ binh bao vây, tiến công cứ điểm đồi Độc Lập.
Đêm 15/3, quân ta đã làm chủ, đánh chiếm đồi Độc Lập, sau đó 1 ngày, quân địch ở cứ điểm đồi Bản Kéo đã lũ lượt cầm cờ trắng ra đầu hàng. Để mất 3 cứ điểm tiền tiêu quan trọng ở Phân khu Bắc, thực dân Pháp huy động nhiều loại máy bay, đánh phá ác liệt vào trận địa của ta trong 2 ngày 16 và 17/3. Dù đối mặt với bom đạn của địch, nhưng bằng lòng quả cảm, tinh thần quyết tâm, những người lính cao xạ đầu đội mũ sắt vẫn kiên trì bám trận địa, anh dũng chiến đấu với không lực địch.
Để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại đó có sự hi sinh, mất mát của biết bao người lính Bộ đội Cụ Hồ vì độc lập, tự do của dân tộc, trong đó, có những người lính pháo binh. Khi nhắc đến sự hi sinh, mất mát của đồng đội, ông Ngũ nghẹn ngào: “Nhiều đồng chí đã bị thương, hi sinh trong quá trình chiến đấu, nhưng được sự quan tâm, động viên của đội ngũ cán bộ chính trị, anh em đã nhanh chóng tổ chức lại đội hình chiến đấu với khẩu hiệu “Còn một người, một khẩu pháo, một viên đạn cũng quyết tâm chiến đấu đến cùng". Cả đơn vị ai cũng thương nhớ các đồng chí hi sinh nên càng quyết tâm chiến đấu hạ máy bay địch, bản thân ông Ngũ cũng bị thương, được Ban CHQS thị xã Long Khánh (Nay là thành phố Long Khánh) lập hồ sơ đưa đi giám định tỷ lệ thương tật 21%.
Trở về cuộc sống đời thường, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống gia đình cách mạng, ông Ngũ luôn gương mẫu đi đầu trong vận động gia đình và Nhân dân chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, hăng hái tham gia lao động sản xuất, đóng góp trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương. Ngoài ra, ông cũng giáo dục con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên năm xưa, tiếp bước truyền thống cha anh, xây dựng quê hương Long Khánh “Xanh, văn minh, an toàn, hiện đại".