Đó là Chú Vũ Ngọc Khuyến, sinh năm 1929; tại làng quê nghèo xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nơi có Chi bộ Đảng đầu tiên từ những năm 1947, là địa phương được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Lúc thiếu thời, Chú luôn tỏ ra là một con người năng động, bản lĩnh, nung nấu tinh thần yêu nước vô hạn. Năm 1948, khi 19 tuổi đã tự nguyện viết đơn đăng ký vào quân đội, trong quá trình huấn luyện, đạt được nhiều thành tích, được bổ nhiệm giữ chức vụ Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 52, Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308; một trong những Đại đoàn thành lập đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1949.
Hễ đánh là thắng
Đã đánh là tiêu diệt sinh lực địch
Ngày càng lớn mạnh
Quyết định chiến trường
Chú Vũ Ngọc Khuyến - người chiến sĩ Điện Biên Phủ là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau
Ngày 02/9/1949, Chú vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1951, được bổ nhiệm làm Trung đội phó, Chính trị viên phó Đại đội và Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chú tham gia trận mở đầu tiêu diệt địch ở đồi Độc Lập, rồi bức hàng quân Pháp ở đồi Bản Kéo góp phần đập tan tấm lá chắn phía Bắc. Tiếp đó, với trận chiến đấu quyết liệt trên đồi A1, tham gia cùng các đơn vị bạn phá vỡ khu phòng ngự phía Đông của tập đoàn cứ điểm địch.
Qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu". Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "bất khả chiến bại" đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn, trong đó có sự tham gia của Chú Vũ Ngọc Khuyến, thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào năm 1975.
Trong suốt thời gian từ 1958-1984, Chú giữ cương vị Chính trị viên phó rồi Chính trị viên trưởng, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 148, Quân khu Tây Bắc; Phó Chính ủy, Chính ủy Trung đoàn 88; sau đó là Chính ủy Trung đoàn 6, Sư đoàn 5; Phó Chủ nhiệm Chính trị, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 5, Thượng tá, Phó Chính ủy Đoàn 778, Quân khu 7; Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Sư đoàn 343.
Dù bất cứ nhiệm vụ nào, với tấm lòng nhiệt tình, mang rõ phẩm chất tính cách của người lính chiến kết hợp với đức tính giản dị, hòa đồng, Chú Khuyến luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được đồng đội yêu thương.
Đến năm 1984, Chú được nghỉ hưu theo chế độ; không một chút ngơi nghỉ, Chú lại tích cực tham gia các phong trào ở địa phương; Bí thư Chi bộ khu Xuân An; rồi làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trì huyện Long Khánh; tại Đại hội đại biểu lần thứ I nhiệm kỳ 1992-1997, Chú được hội viên CCB tín nhiệm bầu làm Chủ tịch. Là người gầy dựng tổ chức Hội trong muôn vàn khó khăn, nhưng chỉ trong 05 năm (1992-1997) Chú đã nổ lực xây dựng được 17 Hội cấp cơ sở với gần 1.000 hội viên, Chú đã kế nhiệm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp tục phát triển và xây dựng tổ chức Hội CCB huyện Long Khánh ngày càng trưởng thành. Chú thôi giữ chức Chủ tịch Hội CCB huyện vào năm 2002, từ trần năm 2018.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “Lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu", chúng cháu những hội viên CCB thành phố Long Khánh đến đốt nén nhang tưởng niệm tri ân Chú - người chiến sĩ Điện Biên Phủ luôn là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau.