Cách đây vừa đúng 50 năm, ngày 21/4/1975 “Chiến dịch Xuân Lộc-giải phóng Long Khánh” toàn thắng. Tỉnh Long Khánh (nay là thành phố Long Khánh) được giải phóng, “Cánh cửa thép” phía Đông-Bắc Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn bị đập tan, mở đường cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn, làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Với chiến thắng Xuân Lộc giải phóng Long Khánh, nơi đây ghi dấu chứng tích lịch sử để lại là Tòa Hành chính tỉnh Long Khánh.
Di tích Tòa Hành chính tỉnh Long Khánh tọa lạc trên đường Cách mạng tháng Tám, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia (Quyết định số 1288/VH-QĐ, ngày 16-11-1988). Xây dựng năm 1965 theo lối kiến trúc kiểu Pháp, bao gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Đây là trụ sở làm việc cao nhất của Mỹ ngụy ở tỉnh Long Khánh thời bấy giờ.

Thanh niên Long Khánh tìm hiểu trận chiến qua sa bàn "Chiến dịch Xuân Lộc"
Tháng 3/1975, Mỹ - ngụy cho xây dựng tuyến phòng thủ chiến lược Phan Rang - Xuân Lộc - Tây Ninh nhằm ngăn chặn bước tiến của quân ta theo cửa ngõ Đông - Bắc vào Sài Gòn. Tòa Hành chính Long Khánh được chọn làm trung tâm điều khiển mọi hoạt động quân sự của tuyến phòng thủ này.

Ông Đào Bá Lượng – Đội trưởng, Đội biệt động - thị xã Long Khánh
Ông Đào Bá Lượng – Đội trưởng, Đội biệt động - thị xã Long Khánh năm xưa cho biết: Tòa Hành chính là nơi mà địch tổ chức địa điểm đầu não ban hành ra các Chỉ thị, là trung tâm điều khiển mọi hoạt động quân sự tuyến phòng thủ của địch, với những kế sách chống đối cách mạng; là nơi mũi xe tăng giữa ta và địch phải gặp nhau, với khoảng cánh hơn 100 mét. Vì vậy Tòa Hành chính nằm ở vị trí này là hết sức quan trọng, là nơi trọng điểm để chúng ta tấn công đánh ra Tiểu khu, Chi khu, Ty cảnh sát ngụy, đánh ra lữ đoàn dù ở Tân Phong, giải phóng Long Khánh.
Quán triệt tư tưởng của Bộ Chính trị TW Đảng, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Xuân Lộc giải phóng thị xã Long Khánh, phá tan tuyến phòng thủ chiến lược của địch, tiến về giải phóng Sài Gòn. Ngày 21/4/1975, chiến dịch dành thắng lợi, Long Khánh hoàn toàn giải phóng, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đã được cắm tung bay trên nóc Tòa Hành chính Long Khánh.

Xe Tăng quân giải phóng trên đường hành quân
Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, tỉnh Long Khánh biên chế thành huyện Xuân Lộc. Tòa Hành chính được sửa chữa lại, trở thành trụ sở làm việc của UBND nhân dân huyện Xuân Lộc. Năm 1991, huyện Long Khánh được tách ra từ huyện Xuân Lộc, Tòa Hành chính trở thành trụ sở làm việc của UBND huyện Long Khánh. Năm 2004, Tòa Hành chính được giao cho Phòng VHTT-TT thị xã Long Khánh quản lý và sử dụng (nay là Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin thành phố Long Khánh): Tầng trệt làm thư viện lưu trữ sách, tài liệu phục vụ bạn đọc, tầng lầu 1 phần làm nơi làm việc của Phòng văn hóa và Thông tin, một phần làm phòng trưng bày truyền thống với 176 tài liệu, hiện vật. Hàng năm thu hút trên 3000 lượt khách tham quan, nghiên cứu, học tập qua đó khơi dậy lòng yêu nước nhắc nhở các thế hệ trẻ, người dân về sự hy sinh anh dũng của cha, ông với chiến thắng Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh ngày 21/4/1975.
Em Phạm Vũ Thanh Quyên – Phó Bí thư Đoàn phường Xuân An – thành phố Long Khánh chia sẻ: Là người dân và người con của Long Khánh, sống trong thời đại hòa bình, độc lập, tự do, thế hệ trẻ chúng em luôn ghi nhớ công ơn, sự hy sinh xương máu của thế hệ Cha, ông để có được nền độc lập ngày hôm nay. Chúng em nguyện sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống của quê hương Long Khánh Anh hùng, viết tiếp nên những trang sử hào hùng của dân tộc, với những thành tích của thế hệ trẻ, kể tiếp cho những thế hệ thiếu niên, nhi đồng biết về truyền thống lịch sử và đặc biệt là trận đánh 12 ngày đêm “cánh cửa thép Xuân Lộc" tháng 4 năm 1975.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng với chiến dịch Xuân Lộc, bắt đầu từ ngày 09/4/1975 thì đến ngày 21/4/1975, ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chính thức tung bay trên nóc Tòa Hành chính Long Khánh, đánh dấu sự kiện thị xã Long Khánh hoàn toàn giải phóng. Qua đó để thấy rằng Di tích Tòa Hành chính tỉnh Long Khánh là một minh chứng lịch sử, có vai trò quan trọng trong việc giáo dục các thế hệ trẻ hôm nay về lịch sử dân tộc, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đấu tranh. Từ đó giáo dục thế hệ trẻ ra sức học tập, cống hiến đóng góp xây dựng quê hương Long Khánh Anh hùng ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.