Tên thật của mẹ là Lê Thị Luyện, sinh năm 1909 tại xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 21 tuổi, mẹ về làm dâu trong một gia đình có 5 người con. Chồng của mẹ – ông Trần Văn Dương – một cán bộ nông hội thời chống Pháp, em của ông cũng là liệt sĩ. Chính truyền thống ấy của gia đình của hun đúc cho các con của mẹ sau này, có 4 anh em thì 2 trai và 1 gái đã hy sinh vì Tổ quốc. Bản thân mẹ suốt hai thời kỳ kháng chiến đã từng nuôi giấu hàng chục cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng. Có thể nói, cuộc đời của mẹ không có một ngày ngừng nghỉ lo toan, vất vả qua mấy cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ.
Năm 1949, giặc Pháp càn quét quê mẹ. Lúc này mẹ đang lâm bệnh nặng, các con phải khiêng mẹ chạy loạn, có lúc chồng mẹ phải cõng để chạy cho nhanh. Cũng trong năm này, khi hoạt động đưa đồng bào đi lánh nạn, người chồng thân yêu của mẹ bị trúng đạn hy sinh. Nỗi đau của mẹ vì thế nhân lên gấp bội.
Chín năm kháng chiến chống Pháp kết thúc, anh Trần Văn Minh, con trai trưởng của mẹ là cán bộ cách mạng được bố trí ở lại quê nhà để xây dựng cơ sở hoạt động, đảm trách bí thư Đoàn. Chẳng may cơ sở bị vỡ, anh bị địch bắt, thủ tiêu mất xác trên sông Thu Bồn. Năm ấy anh mới 23 tuổi.
Mất con, nỗi đau chưa vơi, bọn địch còn tìm tới bắt người con thứ hai của mẹ là anh Trần Văn Ba đưa đi giam ở nhà lao Hội An. Chưa thỏa mãn vì không khai thác được gì ở anh Ba, qua năm sau 1956, chúng lại bắt tiếp người con thứ ba là anh Trần Văn Bốn và bắt luôn cả mẹ. Hai mẹ con bị chúng giam hơn một tháng ở Trà Kiệu (Duy Xuyên), còn anh Trần Văn Ba mãi đến năm 1957 mới được thả về.
Năm 1959, Ngô Đình Diệm ký luật 10/59 lê máy chém đi khắp miềnNam để “tiêu diệt" cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Trước tình thế đó, anh Trần Văn Ba phải đưa gia đình vào Nam sống ở Mộc Hóa, Long An. Còn anh Trần Văn Bốn cũng thoát ly gia đình, tham gia cán bộ binh vận, hoạt động mật ở Duy Xuyên. Riêng phần mẹ vẫn chưa muốn rời quê hương nên quyết định ở lại bám đất, bám làng tiếp tục nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực...
Ngày 20/11/1963, trong một chuyến công tác lấy lương thực cho đơn vị, anh Trần Văn Bốn bị địch phục kích bắt cùng với ông chú ruột (Trần Trữ). Biết bọn địch sẽ giết mình, trên đường đi anh Bốn dùng con dao định tự sát, nhưng chúng phát hiện kịp, sau đó không khai thác gì được chúng bèn thủ tiêu cả hai chú cháu.
Mất một lúc hai người thân yêu, lòng mẹ quặn đau khôn xiết. Để cho mẹ nguôi bớt phần nào nỗi buồn thương, anh chị Trần Văn Ba bèn đưa mẹ vào Nam ở chung với gia đình. Mẹ nuốt nước mắt, xa nơi chôn nhau cắt rốn mà lòng vẫn không an bởi nơi đây mẹ còn con gái út Trần Thị Năm cũng là người hoạt động mật trong đoàn thể phụ nữ thôn.
Giặc Mỹ tiếp tục đổ quân vào Việt Nam trong những năm sau đó, nhưng vẫn chịu nhiều thất bại phải chuyển sang Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1973) để cho tề Ngụy gây thêm nhiều tội ác với nhân dân. Một lần nữa gia đình mẹ phải mất thêm một người con.
Đêm 23/12/1972, tức trước Noel một đêm là thời gian năm nào địch cũng kêu gào “hưu chiến", “ngừng bắn" – bọn chúng đã lùng bắt 17 phụ nữ có chồng con thoát ly hay tập kết để tuyên truyền, hăm dọa, trong số này có Trần Thị Năm, con gái út của mẹ. Lầm tưởng rằng chúng chỉ bắt đi tuyên truyền rồi cho về ngay, nên đêm ấy chị Năm ẵm theo đứa con của chị. Nào ngờ đó là đêm chị vĩnh biệt mọi người. Bọn ác ôn dẫn đoàn người ra tận Bãi Đuối (xã Duy Châu), bắt ngồi quanh một cụm... Lát sau, tiếng nổ của một quả mìn định hướng vang lên. Tất cả không ai sống sót, thân xác chẳng vẹn toàn. Thế là mẹ mất con gái và mất luôn đứa cháu ngoại. Hay tin dữ, từ Long An mẹ lại quay về quê hương để khóc con, khóc cháu cùng với mối căm thù bọn ác ôn tận xương tủy.
...Rồi ngày tàn của bọn gian ác cũng phải tới. Ngày 29/3/1975, QuảngNam – Đà Nẵng giải phóng, quê mẹ rợp bóng cờ sao. Mẹ đã mừng đến tuôn trào nước mắt, giọt nước mắt sung sướng, tự hào. Và sau ngày thống nhất, anh Trần Văn Ba lại đón mẹ trở vào.
Năm 1978, gia đình anh Trần Văn Ba đưa mẹ về ở Bảo Vinh (huyện Long Khánh) cho đến nay.
Ngày 26/6/1989, Hội đồng Nhà nước đã tặng mẹ Huân chương kháng chiến hạng III.
Ngày 29/11/1994, mẹ đã qua đời, thọ 80 tuổi.
Tưởng niệm người mẹ kiên trung, trong điếu văn (do con, cháu mẹ viết) có đoạn:
“Trải bao thuở đường dài cách mạng,
Vượt hiểm nguy gánh nặng chu toàn
Chịu đòn, chịu trận nhiều lần
Nên bà lâm bệnh, tấm thân thẫn thờ..."
Giờ đây, ở bàn thờ mẹ, vừa được đặt thêm tấm bằng Nhà nước phong tặng mẹ danh hiệu BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG (ngày 24/11/1994).