Mẹ Lê Thị Sống sinh năm 1920 (hồ sơ ghi: 1915) tại xã An Điền huyện Bến Cát tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Sông Bé). Mẹ lấy chồng sớm là ông Đặng Văn Sạch người cùng làng, có cả thảy 7 người con trai và 1 con gái.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công không bao lâu, thì đầu năm 1946, thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Thủ Dầu Một. Theo tiếng gọi non sông, chồng mẹ từ giã gia đình lê ngày đường kháng chiến. Một mình mẹ tảo tần nuôi ba con thơ. Xã An Điền của mẹ là một trong những vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh, thực dân Pháp ra sức càn quét, đánh phá rất ác liệt. Hòa cùng phong trào toàn dân tham gia kháng chiến, mẹ vừa nuôi con, vừa cùng chị em trong xã đảm đương nhiệm vụ ở cơ sở, tiếp tế lương thực, hàng hóa cho cách mạng.
Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) được ký kết tháng 7-1954, chồng mẹ được tổ chức Đảng bố trí ở lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Gia đình mẹ đoàn tụ không lâu, tháng 2/1955, Mỹ Diệm lập ủy ban tố Cộng tiếp tục đánh phá phong trào cách mạng, truy lùng, khủng bố người kháng chiến cũ. Chồng mẹ phải chuyển vào hoạt động bí mật, thỉnh thoảng mới bí mật về thăm vợ và con. Tiếp nối đường cách mạng của cha, tháng 5/1958, vừa tròn 18 tuổi, anh Đặng Văn Đực từ biệt mẹ thoát ly đi kháng chiến . Từ một du kích, anh Đực được chuyển vào đơn vị bộ đội tỉnh Biên Hòa sau ngày đồng khởi (1960). Tháng 10/1961, đơn vị đang đóng quân tại xã Phước Thọ (huyện Nhơn Trạch, Biên Hòa) bất ngờ bị địch đột kích. Đơn vị chống trả quyết liệt, và tiểu đội trưởng Đặng Văn Đực đã anh dũng hy sinh. Cố nén nỗi đau như xé lòng, tháng 2/1962, mẹ Sống đưa tiếp đứa con thứ hai Đặng Văn Tươi lên đường chiến đấu. Sau đó được cử làm trung đội trưởng đội bảo vệ Thành ủy Sài Gòn (T4).
Năm 1965, quân viễn chinh Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam. Xã An Điền, căn cứ du kích càng bị đánh phá ác liệt với mức độ bom, pháo, chất độc hóa học ngày càng cao. Cuộc sống gia đình mẹ càng thêm khó khăn trước âm mưu bình định, lập ấp chiến lược của địch. Không để con bị ngụy quyền bắt quân dịch, năm 1965, mẹ tiễn anh Đặng Văn Tốt tham gia bộ đội chủ lực Sư đoàn 9 của Miền. Năm sau (1966), con trai mẹ – Đặng Văn Bi lại vào du kích An Điền. Tháng 7/1966, mẹ nhận được tin dữ : chồng mẹ ông Đặng Văn Sạch, cán bộ nông hội xã An Điền bị trúng bom của Mỹ hy sinh. Nỗi đau mất chồng, mất con, cuộc sống lao động khổ cực, lại thường xuyên bị bọn tề xã nén ép, kềm kẹp đã làm mẹ ngã bệnh, tâm thần bất ổn, khi nhớ, khi quên. Cuộc sống gia đình nhờ cả vào người con gái của mẹ là Đặng Thị Rết. Chị làm lụng vất vả để chạy lo thang thuốc cho mẹ, vừa nuôi dạy 3 em còn nhỏ dại.
Năm 1967, chị Rết đưa mẹ Sống và 3 em trai về Long Khánh, sống ở Bảo Vinh – một vùng ven thị xã có ngã ba “vĩnh biệt" mà bọn lính ngụy luôn kiêng dè khi càn vào xã. Gánh nặng gia đình đè nặng lên hai vai chị Rết, vừa chăm sóc mẹ ốm đau, nuôi 3 em, ngày đêm trông ngóng tin tức các em trai không biết đang chiến đấu và sống còn ở đâu.
Mãi đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhờ anh em trong đơn vị cùng công tác, mẹ Sống và gia đình mới hay tin: Anh Đặng Văn Tốt, trung đội trưởng bộ đội sư đoàn 9 đã hy sinh vào tháng 5/1967 trong một trận chống càn ở Đồng Rùm Tây Ninh; anh Đặng Văn Bi, du kích xã An Điền, trên đường đi giao liên lọt ổ phục kích của địch hy sinh ngày 17/11/1970.
Mẹ không còn đủ nước mắt để khóc chồng và 4 con trai đã hy sinh vì Tổ quốc. Cơn bệnh trầm kha đã đưa mẹ về cõi vĩnh hằng vào tháng 7/1979. Mười sáu năm sau ngày qua đời, mẹ Lê Thị Sống đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG.