Trong năm đình chiến vùng quê phía Nam bờ sông Hiền Lương là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, nhiều bà con ở vùng này phải tha phương cầu thực khắp nơi, người ra Bắc, kẻ vàoNam.
Gia đình má Nguyễn Thị Con sinh năm 1921 ở xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị cũng thế, chồng má: Lê Văn Trong, đi thoát ly ra vùng kháng chiến đơn vị Vệ Quốc đoàn, còn má tham gia hoạt động Cách mạng ở địa phương. Má làm giao liên mang tin đi về các xã Phước Thị, Giao Hòa, Mai Xa Thi, Mai Xa Chánh, không quản ngại hy sinh vất vả “nước mất thì nhà tan" má nghĩ thế nên má làm giao liên, nuôi dưỡng cán bộ từ năm 1945 đến năm 1963.
Rồi má bị giặc bắt giam cầm, chúng đánh đập, khảo tra buộc má phải khai tổ chức Cách mạng. Nhưng má cắn răng chịu đựng không khai báo nửa lời: Tôi không biết tổ chức nào hết! Má luôn vững lòng tin, nghĩ đến chồng, đến con, đến ngày đất nước độc lập. Giặc không buộc tội má được, năm 1963 chúng thả má ra (má bị tù 1 năm). Từ giã xóm làng, trong năm 1963 má dẫn đứa con duy nhất của mình anh Nguyễn Văn Quý xuôi về Nam, vào xã Cẩm Đường, Long Khánh nương thân. Ở vùng đất mới rừng núi heo hút, khó khăn trăm bề, làm công nhân thì bị chủ tây bóc lột, hà hiếp. Má phải phá rừng, làm rẫy nuôi con. Năm 1965 anh Nguyễn Văn Quý tham gia hoạt động Cách mạng rồi làm trưởng ban kinh tài xã Cẩm Đường. Má lo tiếp tế lương thực cho các anh, làm nguồn động viên con mình vững bước, cuộc đời má lại chịu đựng đau thương, gian khổ mới.
Trong trận đường 9 Nam – Lào, năm 1969, chồng má bị thương phải về Trà Lộc, Đông Hà điều trị. Được tin má lo lắm, cộng với nhớ thương chồng, má muốn về thăm, nhưng sự cách ngăn đôi bờ sông quê má làm sao về thăm chồng cho được, má phải nuốt nước mắt vào lòng.
Chiến tranh bao giờ cũng đem sự tàn phá và chết chóc, nhà cửa hoang tàn, đổ nát, con mất cha, vợ mất chồng, những người thân luôn phải khóc cho sự biệt ly. Và ngày ấy đến với má, đó là ngày20/10/1970, má được tin đứa con duy nhất của mình đã hy sinh trong trận đánh địch ở Dầu Giây. Má khóc cho con, càng căm thù giặc.
Chồng má do vết thương và bệnh tật cũng qua đời. Má chỉ còn có các anh đồng đội, đồng chí của con và bà con xóm làng. Từ đó, nơi nào có các anh má đem gạo, cơm, thuốc men đến, các anh cần gì má lo. Anh Tư Hổ, chị Út Lan má đều giúp để chiến đấu để chiến thắng quân thù. Sau năm Mậu Thân 1968, má về ấp Cấp Rang (An Lộc), tiếp tục lo tiếp tế cho cách mạng. Tấm thân của má gầy đi nhưng vững chắc, mắt má hõm sâu, sắc chí căm thù, má tin vào đất nước nở hoa độc lập.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, má Nguyễn Thị Con đã được bà con xóm làng, Nông trường An Lộc, xã Xuân Lập, huyện Long Khánh giúp đỡ chăm sóc. Năm 1992, má được Nông trường An Lộc xây tặng căn nhà tình nghĩa. Ngày 19/8/1995, má đã 74 tuổi, Nhà nước phong tặng BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG, sức yếu dần, nhưng lòng má vẫn sáng. Má nói: “Nhà nước đã lo cho từ cái ăn, chỗ ở, thân già đâu đòi hỏi gì? Miễn chỉ mong về thăm Cụ Hồ, thăm được nơi Người ở là hạnh phúc lắm rồi".
Cuộc đời của má là thế, một đời long đong, ở đâu cũng lo cho các anh đánh giặc, một lòng vì sự nghiệp Cách mạng, chịu đựng hy sinh, mất mát cho nước nhà hòa bình, thống nhất.