Sinh ra và lớn lên ở vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng, mẹ Nguyễn Thị Đồ sớm nung nấu tinh thần yêu nước thương dân, động viên bà con, người thân của mình tham gia cách mạng giải phóng dân tộc.
Quê mẹ ở làng Gio hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Mẹ sinh năm 1910, lớn lên trong gia đình bần cố nông, sớm hôm làm quen với cây cuốc, cái cày, mưa nắng ngoài đồng, quanh năm vất vả chỉ đủ để nuôi thân và lo cho chồng con. Người chồng trụ cột của gia đình dãi dầu mưa gió, không chịu đựng nổi căn bệnh hiểm nghèo đã qua đời, một mình mẹ phải lận đận lao đao đánh vật với cuộc sống để nuôi 4 người con khôn lớn. Cuộc sống ở quê hương ngày càng khó khăn hơn, nhiều người phải rời quê hương để đi nơi khác làm ăn. Mẹ không thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn phải tay dắt, nách mang 4 người con, gạt nước mắt đi tha phương kiếm sống. Đến năm 1967, mẹ đã tìm đến Long Khánh. Vùng đất màu mỡ này đã giữ chân mẹ ở lại. Mẹ chấp nhận chọn đây là quê hương thứ hai. Thời gian đầu vào đây, mẹ làm công nhân cao su ở các đồn điền cao su Cẩm Mỹ, Cẩm Đường, Túc Trưng (Định Quán) rồi đến Bình Lộc sở. Suốt thời gian làm công nhân cao su, được tiếp xúc với cách mạng, mẹ hiểu thế nào là áp bức, là đấu tranh. Cách mạng như đã có sẵn trong tâm hồn của mẹ. Có 4 người con, mẹ đã hiến cho cách mạng 3 người, lần lượt các con của mẹ : Nguyễn Ngọc Bút (1941), Nguyễn Ngọc Thắng (1945), Nguyễn Thị Thu (1952) nối tiếp nhau thoát ly theo cách mạng. Nhìn bóng dáng các con khuất dần sau những rặng cây cuối làng, lòng người mẹ nào mà không thương nhớ. Nhưng vững tin ở ngày mai, mẹ tích cực liên lạc tiếp tế cho các anh và làm giao liên cho cách mạng.
Mẹ vui mừng khi thấy các con thân yêu của mẹ đã chọn đúng hướng đi cho mình. Người con gái lớn phải ở lại với mẹ để móc nối đường dây tham gia đấu tranh, chống càn, tham gia vào các hội, đoàn phụ nữ... Mẹ Đồ còn là thành viên gan dạ của tổ “tam tam" bí mật phục vụ cách mạng nổi tiếng ở Bình Lộc thời bấy giờ.
Trong khi làm nhiệm vụ, mẹ vẫn thấp thỏm lo âu, ngóng trông tin tức của những đứa con. Mẹ chỉ biết anh chị đã đi công tác ở xa. Anh Thắng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại mặt trận Long Khánh, rồi chị Thu hy sinh năm 1971 tại Túc Trưng, khi đó chị đang tham gia ở đội súng cối nữ huyện đội Định Quán. Rồi đến anh Bút lại hy sinh trong trận xuống đường năm 1973 tại Đồng Tâm căn cứ II. Mẹ làm sao có thể tin được? Nhưng linh cảm vốn có của người mẹ cho biết đó là sự thật. Ít lâu sau lòng mẹ nguôi dần, đơn vị mới chính thức báo tin cho gia đình biết. Đau xót va căm thù, mẹ thầm nghĩ: “Con mình đã hy sinh vì cách mạng, mình phải theo cách mạng tới cùng". Thế là mẹ thoát ly vào rừng làm đủ mọi công việc có lợi cho cách mạng.
Cô con gái lớn Nguyễn Thị Túy phải ở lại làng để móc nối đường dây. Cô vẫn không lập gia đình, nguyện suốt đời được chăm lo cho mẹ. Trong một trận càn cuối năm 1973, quân địch ồ ạt đàn áp, khủng bố, nhưng mẹ động viên bà con đề ra bám đất, bám làng quyết không lùi một bước. Trong trận này, nhiều người đã hy sinh, mẹ bi trúng đạn gãy chân, phải nằm điều trị suốt hơn 2 tháng, rồi cơn sốt rét rừng ghê rợn kéo đến hành hạ thân xác của mẹ. Người con gái hay tin vào thăm, nhưng mẹ không đủ sức để được nhìn mặt con gái lần cuối cùng, mẹ đã vĩnh viễn đi xa trong niềm thương tiếc của mọi người. Trước phút lâm chung mẹ chỉ mong sao người con gái còn lại của mẹ được sống trong hòa bình, hạnh phúc, cuộc sống ổn định, được hưởng mọi thành quả cách mạng mà mẹ và các em đã hy sinh.
Cao cả thay tấm lòng của mẹ. Ngày 24/11/1994, mẹ Nguyễn Thị Đồ đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG.