Căn nhà tình nghĩa còn đượm mùi vôi mới. Hôm ấy, ngày27/7/1995, mẹ Nguyễn Thị Hường, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa được đón nhận. Dẫu rằng năm nay đã 82 tuổi nhưng mẹ không chịu ngơi tay, luôn loay hoay dọn dẹp ngõ trước, cửa sau, trồng hoa, nhổ cỏ chung quanh ngôi nhà do nhân dân thị trấn Xuân Lộc dựng nên. Mẹ gói ghém chi tiêu với số tiền 300.000 đồng mỗi tháng của Công ty sản xuất kinh doanh tổng hợp (Công ty vật tư Long Khánh cũ) góp phần đỡ đần mẹ trong quãng đời về chiều.
Giọng Quảng Nam vang lên đầy tự hào về miền cát trắng xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng và vợ chồng với tám người con (hai gái, sáu trai) của , gắn liền tuổi ấu thơ và trưởng thành từ đấy, mắt mẹ xa xăm, man mác khi nhớ lại những ngày lửa đạn điêu linh và nỗi đau xé ruột.
“Ông ấy, (chồng mẹ) tuổi đời lớn hơn mẹ tròm trèm con giáp. Ông là trụ cột gia đình. Thằng Thử, thằng Nhàn, thằng Diện, thằng Thụy, thằng Mạnh, thằng Liệu lớn lên đều noi theo gương ông và tham gia du kích xã, huyện đội, tỉnh đội... Những năm 60, vùng đất Bình Giang thuộc vùng Cài Răng Lược. Nhà mẹ bị đốt bảy lần, xóm làng trở nên xơ xác... Nhưng khi lũ giặc rút thì nhà lại mọc lên. Tối nào im tiếng pháo, bà con tập trung tại sân nhà mẹ bàn tính đi đấu tranh, đào hầm nuôi giấu cán bộ".
Mẹ ngừng kể, nhả bã trầu, giọng hồ hởi nói tiếp : “Năm 1967, bọn Mỹ càn vào làng, có 12 xe tăng yểm trợ, dẫm bừa lên ruộng lúa, nương khoai. Chiếc xe tăng đi đầu thẳng hướng bò đến đám bí đỏ, dưa hấu, thuốc lá nhà mẹ. Không chần chừ, nghĩ ngợi, mẹ ào chạy ra dang tay chặn đầu xe tăng, chiếc xe tăng chồm lên tiến sát vào mẹ như muốn ăn tươi, nuốt sống. Không lùi bước, mẹ huơ tay ra dấu chỉ vào những trái dưa, trái bí. Cuối cùng, chúng phải tránh đi hướng khác".
- Mẹ sợ chúng phá hoa màu hơn sợ chết sao ?
- Không phải, trong đám dưa, bí đỏ có hai cái giếng, mà hai cái giếng đó là hai hầm bí mật, mẹ sợ xe tăng làm sập hầm, chết cán bộ đang ở dưới.
Mẹ bỏ miếng trầu vừa têm vào miệng, kể tiếp: “Chuyện gì chớ chuyện thời chống Mỹ mẹ kể cả ngày không hết... Hôm ấy, tại nhà mẹ có cuộc họp quan trọng. Nhiệm vụ của mẹ là cảnh giới, thông thường bọn Mỹ đi càn từ mặt biển đi lên, mẹ căng mắt nhìn hướng ấy. Bỗng từ hướng Bắc, hướng Hội An lao xao, mẹ quay lại thì bọn Mỹ lố nhố càn tới nơi. Trong tốp đầu, có thằng mặc chiếc áo lót, quần đùi (lúc này đang mùa nắng hạ và gió Lào). Nhanh trí mẹ nói lớn “Number ten ... num...ber... t...e...n...". Vừa chạy vừa hô lớn. Nghe tiếng mẹ, anh em rút xuống hầm bí mật an toàn. Mẹ chụp lấy chổi quét từ trong nhà ra ngoài ngõ, còn ngoài vườn, mẹ lấy cào cỏ cào lia lịa xóa đi dấu dép cao su (dép râu của cán bộ ta).
Bao lần đấu trí, ú tim với giặc, mẹ đều vượt qua và bảo toàn bí mật. Chiến tranh ngày càng ác liệt, bọn Mỹ và tay sai ra tay đàn áp phong trào đấu tranh hết sức dã man và tàn bạo. Cuối năm mậu Thân 1968, những trận pháo cầm canh của địch trút lên đầu người dân vô tội huyện Thăng Bình. Nguyễn Bồng, Hội trưởng Hội phụ lão xã Bình Giang, chồng mẹ, cùng bà con kéo ra Hội An đấu tranh đòi ngưng bắn pháo bừa bãi. Chồng mẹ bị chỉ điểm và bị bắt cùng một số bà con. Sau hơn ba tháng giam cầm tra khảo, thấy không moi được lời khai nào, bọn tay sai ác ôn đem ông ra bắn cùng với mười sáu người khác cách chợ Bình Phục mấy mươi mét vào rạng sáng ngày 22/2/1969 (tức ngày mùng 7 tháng giêng năm 1969 âm lịch). Nhận được tin, mẹ nuốt nước mắt, giả người buôn cá, cố tìm nhìn mặt chồng lần cuối, nhưng khi đến nơi thì bà con vừa chôn cất xong. Gạt nước mắt, mẹ trở về nhà ngày đêm đào thêm hai hầm bí mật sau vườn".
Kể đến đây, mẹ đưa tay lên quệt nước mắt, kỷ niệm hiện về: “Đầu năm 1970, thằng Diện thấy mẹ đã già, sức yếu, không còn nhanh nhạy nữa, với lại bọn ác ôn lùng sục gia đình mẹ, nó khuyên: Quê mình đang bước vào thời kỳ một mất một còn với bọn nó. Ở đây cũng khó sống, mẹ nên dẫn thằng Út (Nguyễn Đình Liệu) vào Nam hoạt động với anh Ba (Nguyễn Đình Nhàn). Mẹ đi cho con gửi con Nga (con gái anh) đi cùng. Lúc đó mẹ còn đang lưỡng lự thì thằng Mạnh nói thêm: Mẹ nên đi, anh em con ở lại giữ làng và nguyện làm đẹp mặt cha nơi chín suối. Năm đó, mẹ vào Suối Cả Long Khánh. Không lâu, vào năm 1970, trong một trận chống càn tại quê cha đất tổ, anh Nguyễn Đình Diện (hồ sơ ghi Nguyễn Đình Điện) bị địch bao vây, bọn giặc gọi anh đầu hàng. Lúc này anh đã bị thương và nhảy xuống bàu Đồng Mồ ẩn mình trong đám lục bình. Anh bắn đến viên đạn cuối cùng. Chúng bắt được anh dồn hết mọi tức giận, ác độc của loài cầm thú lên lưỡi dao kết thúc cuộc đời anh tại Bàu Đồng Mồ xã Bình Giang.
Nỗi đau lần thứ hai, mẹ nung chí gửi người con trai út, lúc này mới 12 tuổi vào chiến khu (anh Nguyễn Đình Liệu hiện nay là cán bộ công an nhân dân huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng). Mẹ dồn tất cả tình thương cho đứa cháu nội, con anh Diện, đang sớm hôm với mình. Lắng đi không lâu, năm 1972, tin dữ ập đến, anh Nguyễn Văn Mạnh tiểu đội trưởng công binh tỉnh Quảng Nam hy sinh tại Tú Trà, huyện Thăng Bình trong lúc đi trinh sát mở đường cho chiến dịch mùa khô 1972. Hay tin, mẹ như người mất hồn, nhớ trước, quên sau. Nỗi đau của mẹ đã được bù đắp bằng những trận thắng của quân ta trong chiến dịch mùa khô 1972.
Mẹ nhìn tôi, giọng cương nghị vừa tâm tình vừa nhắc nhở :
-Đời mẹ, nhìn lại hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chỉ vì quân xâm lược và những tên bán nước, buôn dân, gây nên cảnh “huynh đệ tương tàn", “nồi da xáo thịt", bọn nó ham danh ham lợi cá nhân, làm hại nhân dân, dân tộc Việt Nam mình. Các con hôm nay có điều kiện học cao, hiểu rộng hơn thời mẹ, suy nghĩ sâu hơn, nhớ cùng nhau xây dựng nước nhà, đừng phụ người đi trước nghe.
Ngày 24/11/1994, mẹ Nguyễn Thị Hường đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG.