Xã Mỹ Thạnh Đông – quê mẹ Khá nằm ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Mỹ Thạnh Đông nằm trong chiến khu Đông Thành thuộc tỉnh Chợ Lớn – là địa bàn cơ động của các cơ quan kháng chiến của tỉnh, là bàn đạp tiến công vào Sài Gòn.
Mẹ Nguyễn Thị Khá có 3 người con trai: Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1944), Nguyễn Văn Long (sinh năm 1945), Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1948). Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công chưa tròn 1 tháng, thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Năm đó, mẹ Khá vừa làm ruộng nuôi 2 con tai nhỏ, vừa hăng hái tham gia công tác phục vụ kháng chiến Loại đào phá đường, tiếp tế lương thực, chuyển hàng hóa vào chiến khu Đông Thành cho “đàng mình" chiến đấu.
Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) được ký kết tháng 7/1954, đế quốc Mỹ lại thay chân thực dân Pháp xâm lược miền Nam. Đức Huệ Long An là nơi có phong trào đấu tranh chính trị mạnh, nhưng địch khủng bố cũng hết sức ác liệt. Chiến dịch Trương Tấn Bửu (tháng 7/1956), luật 10-59 (tháng 5/1959), địch bắt bớ, giết hại hàng ngàn cán bộ, đảng viên, người yêu nước ở Chợ Lớn và long An. Cũng từ 1958, tỉnh Long An đã hình thành các đại đội vũ trang (nhưng lấy phiên hiệu tiểu đoàn 504, 506, 508) thực hiện vũ trang tuyên truyền diệt ác hỗ trợ phong trào đấu tranh của nhân dân.
Tháng 1/1960, phong trào Đồng Khởi từ Bến Tre lan ra khắp Nam Bộ, lực lượng vũ trang cách mạng ngày một lớn mạnh, xã Mỹ Thạnh Đông trở thành xã giải phóng. Tháng 10/1961, anh Nguyễn Văn Long mới 16 tuổi xin mẹ vào bộ đội. Long trở thành chiến sĩ giải phóng quân của tiểu đoàn 1 tỉnh Long An. Năm sau, tháng 12/1962, địch triển khai rộng kế hoạch lập ấp chiến lược, ráo riết bắt lính, mẹ lại đưa anh Nguyễn Văn Thành vào bộ đội huyện Đức Huệ tỉnh Long An.
Đêm 18/2/1963, thượng sĩ Nguyễn Văn Thành chỉ huy một tiểu đội cùng đơn vị tiến công bót Tân Cương ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Thạnh Đông. Bót địch bị san bằng, nhưng anh Thành đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất quê hương. Núm ruột bị đứt lìa, mẹ đau như xé lòng, chỉ khóc thầm không để cho kẻ địch biết.
Năm 1964, trong cao trào quần chúng tham gia phá ấp chiến lược, anh Nguyễn Văn Hải hy sinh- con út của mẹ Khá mới 16 tuổi tình nguyện tham gia quân giải phóng để trả thù cho anh. Anh trở thành bộ đội của sư đoàn 9 chủ lực Miền, cơ động chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Mẹ ở nhà cùng chị em tham gia “đội quân tóc dài" trung dũng kiên cường của Long An. Ngày 14/10/1965, tiểu đoàn 1 Long An đánh đồn Đức lập. Con trai mẹ, tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Long chiến đấu anh dũng và đã hy sinh. Anh em trong đơn vị mai táng anh tại Bàu Công. Tin dữ như sét đánh ngang tai, nhưng mẹ vẫn cố nuốt lệ vào lòng.
Năm 1967, cuộc sống khó khăn, lại bị bọn tề Ngụy địa phương rình rập, mẹ Nguyễn Thị Khá chuyển về sống ở xã Bảo Vinh, Thị xã Long Khánh. Mẹ làm rẫy và luôn mong tin người con thứ tư ở đơn vị chủ lực không biết mất, còn, chiến đấu ở đâu. Bảo Vinh bấy giờ là vùng tranh chấp mạnh giữa ta và địch, nơi các lực lượng vũ trang bám trụ để tiến công địch trong thị xã Long Khánh. Phong trào đấu tranh của nhân dân ở xã đã lôi cuốn mẹ. Được gần gũi, giúp đỡ du kích, bộ đội địa phương, mẹ như thấy được hình bóng của con mình. Nhiều lần mẹ cùng bà con ở xã kéo ra tận Thị xã đấu tranh lên án các hành vi tội ác của địch, chống địch bắn pháo vào làng, rẫy, đòi bồi thường thiệt hại cho dân...
Mùa xuân 1975, cả miền Nam được giải phóng. Niềm vui chung chưa dứt, mẹ lại được báo tin: anh Nguyễn Văn Hải, mẹ vẫn hằng ngóng trông, đã hy sinh ngày 17/6/1966 trong một trận chiến đấu với kẻ thù ở miền Đông nam Bộ. Nỗi đau với mẹ là khôn cùng. Ba người con liệt sĩ của mẹ đã sống, chiến đấu trọn vẹn vì Tổ quốc. Quãng đời còn lại, mẹ sống với cháu và tình thương của nhân dân ở xã. Năm 1987, mẹ ra đi về cõi vĩnh hằng. Ngày 24/11/1994, mẹ Nguyễn Thị Khá vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG.