Lễ hội Sayangva còn gọi là cúng thần Lúa hay là Mừng lúa mới. Đây là lễ hội truyền thống của người dân tộc Chơ ro diễn ra từ 15 tháng 2 đến 15 tháng 3 âm lịch hàng năm vào những ngày trời đẹp, đêm có trăng sáng. Đây là lễ hội lớn nhất của cộng đồng và để lại những dấu ấn về lễ nghi nông nghiệp của người Chơ-ro.
Lễ hội năm nay diễn ra tại ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh được diễn ra vào chiều ngày 13/4/2025.

Đồng bào dân tộc Chơ Ro chuẩn bị làm lễ cúng Thần Lúa
Đồng bào dân tộc Chơ Ro thành phố Long Khánh có hơn 5 ngàn người sống tập trung chủ yếu ở các xã Bảo Quang, Bảo Vinh, Bàu Trâm và xã Hàng Gòn. Tín ngưỡng Nguyên thuỷ của dân tộc Chơ Ro là thờ đa thần với quan niệm mọi vật đều có linh hồn. Một trong các thần được người Chơ Ro xem trọng nhất là thần lúa tức Yangva được cúng định kỳ hàng năm. Lễ vật cúng thần lúa ngoài rượu cần, gà, heo còn có các loại bánh dày, cơm lam của các nhóm cộng đồng Chơ ro. Trước bàn Nhang, những người lớn tuổi cùng già làng trong không khí thiêng đã trình dâng phần lúa mới, lễ vật và thành tâm cầu khấn thần linh, tổ tiên về một năm mới với những vụ mùa tốt đẹp, cuộc sống an lành thể hiện sự khát vọng tốt đẹp cho cộng đồng.
Cái nóng của những ngày thời tiết chuyển mùa như chìm hẳn trong không khí của lễ hội. Con đường dẫn vào khu vực lễ hội được trang hoàng đón nhiều đoàn người Chơ ro từ các địa phương khác đỗ về tham dự.
Ngay từ sáng sớm bà con đã hội tụ về khu vực tổ chức lễ hội để cùng nhau làm những món ăn truyền thống của người Chơ ro như: làm bánh dày, nấu cơm lam, nấu canh bồi, nướng thịt…Cả khu sân rộng lớn tổ chức lễ hội rộn ràng bước chân, tiếng cười nói vang khắp nơi. Song song đó, những thanh niên nam, nữ Chơ ro nhiệt tình tham gia các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, trong sự cổ vũ nồng nhiệt của mọi người. Đặc biệt, tiếng cồng chiêng vang lên giục giã để báo với thần linh, tổ tiên và cho cả dân làng trong ngày hội lớn.
Anh Điểu Lê, Đồng bào dân tộc chơro ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang nói lên cảm nghĩ của mình: Duy trì truyền thống lễ hội SaYangVa hằng năm để tất cả con cháu sau này luôn noi theo và học hỏi để không bị mai một. Lễ hội cúng thần lúa SaYangVa là một lễ hội truyền thống tốt đẹp giữ bản sắc dân tộc của đồng bào Chơro nhắc nhở các thế hệ sau luôn noi theo người đi trước và phát huy truyền thống tốt đẹp của lễ hội cũng như giữ gìn bản sắc dân tộc bền vững".

Nghệ thuật cồng chiêng, một giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Chơ ro
Lễ hội Sayangva năm nay, đặc biệt có sự tham dự của hơn 100 em học sinh-sinh viên của 2 trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Đồng Nai. Lê hội cũng được tổ chức chu đáo hơn mọi năm. Các hoạt động vui chơi cũng như nghi thức cúng thần Lúa đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho những người tham gia lễ hội.
Em Dương Thị Hồng Đào, Học sinh trường Dân tộc Nội trú tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Hôm nay được chứng kiến thực tế việc nấu cơm lam, nướng thịt cho đến lễ hội, trò chơi dân gian, cùng nhau uống rượu cần và được biểu diễn văn nghệ thì em cảm thấy rất là vui và may mắn. Vì khi thấy mọi người cùng làm, cùng nấu ăn với nhau thì em thấy đó thật sự là gắn kết tình cảm giữa đồng bào với đồng bào. Em thấy được sự giao thoa giữa các văn hóa dân tộc với nhau, em cảm thấy rất là tự hào"
Ông Điểu Mực, Già làng ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang cho biết: “Nhằm duy trì tục lệ tổ chức lễ hội SaYangva này để con cháu sau này học hỏi làm theo. Vì vậy bản thân tuy đã cao tuổi nhưng vẫn tiếp tục duy trì hàng năm".
Duy trì tổ chức lễ hội văn hóa các dân tộc là một việc làm thiết thực góp phần làm cho lễ hội phong phú, đa dạng hơn. Thông qua tổ chức lễ hội, những giá trị truyền thống của người Chơ ro nói riêng từng bước được nâng cao, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo tồn, đồng thời phát huy trong xây dựng đời sống văn hóa, gắn chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc anh em. Do đó đây là một trong những lễ hội được lãnh đạo thành phố và địa phương quan tâm.
Bà Lương Thị Như Nga - Phó trưởng phòng dân tộc thành phố Long Khánh cho biết thêm: “Hướng dẫn, hỗ trợ cùng đồng bào tuyên truyền các lễ hội đến với các dân tộc khác. Nhằm giúp các dân tộc có sự đoàn kết giao thoa lẫn nhau, giữa lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương cũng như đồng bào khác. Qua đó để các thế hệ trẻ biết được và gìn giữ lễ hội của mình, sau này tiếp nối truyền thống, phát huy văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình".


Lãnh đạo thành phố và xã trao quà cho đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn
Tại buổi lễ, Lãnh đạo tỉnh, thành phố và xã đã tặng cho đồng bào những phần quà có ý nghĩa. Được biết, trong những năm qua đồng bào các dân tộc thiểu số được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đời sống vật chất tinh thần cũng như việc thụ hưởng các giá trị văn hoá cộng đồng của đồng bào dân tộc được nâng lên, từ đó phấn khởi hơn và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cũng tại buổi lễ này có 50 phần quà, mỗi phần trị giá 500 ngàn gồm các nhu yếu phẩm và tiền mặt được các mạnh thường quân trao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.