Thành phố Long Khánh xác định phát triển nông nghiệp gắn với chế biến là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung phát triển và có định hướng lâu dài. Do đó, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2762 ngày 29/12/2022 về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố Long Khánh đến năm 2025.
Thành phố Long Khánh nằm trong vùng khí hậu ôn hòa, có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng, nhiệt độ cao đều trong năm, đất đai màu mỡ, có mảng xanh đô thị phủ đều. Do đó, sản phẩm nông nghiệp của thành phố có chất lượng thơm ngon, đặc trưng và được nhiều người biết đến như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi, mít,... Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Long Khánh quản lý hiện có trên 16.000 ha, gồm đất trồng cây hàng năm trên 1.800 ha, đất trồng cây lâu năm gần 15.000 ha. Một số loại cây chủ lực như sau: Sầu riêng, Chôm chôm, Bưởi, Mít, Măng cụt, Hồ tiêu, điều... Tổng đàn chăn nuôi heo trên 58.000 con; đàn gia cầm gần 700.000 con; đàn bò trên 2.000 con; đàn dê gần 6.000 con.

Mô hình nông trại trồng trái dưa lưới
Để phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ, thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động nhằm khuyến khích người dân và các thành phần kinh tế phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân trên địa bàn để nông dân nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, cung cấp sản phẩm cho ngành chế biến nông sản. Tăng cường phát triển vật nuôi chủ lực trên địa bàn, đặc biệt là heo, khuyến khích đầu tư các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao tại các vùng quy hoạch; Vận động, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm vật nuôi. Xem xét, kiến nghị điều chỉnh bổ sung các quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn. Tăng cường hỗ trợ thực hiện kết nối, liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm các sản phẩm như gia cầm, chim yến trên địa bàn tỉnh nói chung và Long Khánh nói riêng. Hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến để tăng giá thành, tạo thương hiệu sản phẩm. Tổ chức các buổi gặp gỡ mời gọi các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế có năng lực đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn nhằm gia tăng giá trị nông sản. Ứng dụng khoa học công nghệ vào công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu sản xuất tập trung để góp phần tiêu thụ ổn định sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và nâng cao thu nhập cho người dân. Thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp chế biến nông sản có hàm lượng công nghệ cao. Bố trí phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, bao gồm việc xác định không gian hợp lý giữa địa điểm sản xuất và an toàn về môi trường sinh thái, giữa khu vực sản xuất và dân cư, phát triển bền vững các khu công nghiệp và nhất là trong mối quan hệ bảo đảm an ninh, quốc phòng. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu ngành nông nghiệp và các ngành nghề truyền thống, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Phối hợp các sở, ngành thực hiện theo dõi việc bổ sung cụm công nghiệp Hàng Gòn để triển khai xây dựng, thực hiện, thu hút các doanh nghiệp đầu tư dự án chế biến nông sản, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định. Tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương thực hiện Chương trình khuyến công, tập trung vào hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.

Cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo
Là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển toàn diện nền nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Định hướng chiến lược phát triển này đóng vai trò kinh tế chủ lực trong tương lai, qua đó mở ra cơ hội mới để Long Khánh từng bước tạo dựng nền móng nông nghiệp bền vững, chất lượng cao, tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương.