Trong những năm qua, Thành phố Long Khánh hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển Long Khánh giàu đẹp “Xanh, văn minh, an toàn, hiện đại.
Thời gian qua, việc áp dụng giống mới trong sản xuất trung bình 90%, cơ giới hóa trong các khâu như làm đất đạt 98%, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với cây hàng năm đạt 95%, cây lâu năm 97%, thu hoạch đạt 98%, đẩy mạnh ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, bón phân hữu cơ, tỷ lệ diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm đạt 65%; 100% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, hình thành và phát triển khoảng trên 20 mô hình trồng trọt công nghệ cao, với các công nghệ như nhà lưới, nhà màng, máy bay không người lái, VietGAP, trong đó công nghệ VietGAP có 05 mô hình.
Bên cạnh đó, chăn nuôi được áp dụng công nghệ kỹ thuật cao trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, trên địa bàn thành phố hiện đang áp dụng mô hình chăn nuôi trong chuồng lạnh; mô hình làm mát trong chăn nuôi heo sinh sản; mô hình sử dụng đệm lót sinh học; việc xử lý nước thải, chất thải bằng biogas hoặc các hệ thống xử lý đảm bảo môi trường đạt tỷ lệ 92%; việc áp dụng các giống tốt đạt trên 93%. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã trang bị hệ thống dây chuyền treo giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại để đảm bảo kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình giết mổ.
Song song đó, xây dựng các cơ sở ứng dụng công nghệ cao với quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã là những mô hình điển hình để các địa phương, người sản xuất học tập kinh nghiệm như: Công ty Cổ phần phát triển công nghệ sinh học DONA-TECHNO sản xuất 4 vườn cây đầu dòng, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 30.000 cây sầu riêng Dona; Công ty TNHH Yergat sản xuất nho lấy lá công nghệ cao với diện tích 4 ha, được trồng trong nhà lưới, áp dụng hệ thống tưới có bộ điều khiển tự động, sản phẩm được xuất khẩu sang các nước Trung Đông; Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Bình Lộc được cấp Giấy chứng nhận VietGAP trên cây chôm chôm với diện tích hơn 33 ha/28 hộ; Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Xuân Lập được cấp chứng nhận VietGAP trên cây chôm chôm, sầu riêng với diện tích trên 71 ha/51 hộ; Hợp Tác Xã Dịch Vụ Nông Nghiệp Xuân Thanh được cấp chứng nhận VietGAP trên cây sầu riêng diện tích hơn 91 ha/79 hộ, Tổ hợp tác mít ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm được cấp chứng nhận VietGAP trên cây mít với diện tích hơn 38ha/74hộ.
Trồng mít theo mô hình VietGAP
Ngoài ra, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm, thực hiện hướng dẫn hỗ sơ mã vùng trồng, đến nay đã cấp được 31 mã vùng trồng trọt (14 mã chôm chôm, 8 mã sầu riêng, 2 mã thanh long, 6 mã mít, 01 mã rau) và 10 mã cơ sở đóng gói; hiện nay đang đã nộp hồ sơ xin cấp thêm 05 mã vùng trồng sầu riêng cho gần 220 ha/172 hộ, hiện đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh thực hiện khảo sát, đánh giá. Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; đồng thời tổ chức các chuyến tham quan, học tập mô hình công nghệ cao hiệu quả tại các tỉnh như Lâm Đồng, Ninh Thuận cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như một số nông dân. Tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao, đào tạo thực hành nông nghiệp tốt VietGAP cho nông dân trên địa bàn.
Tham quan vườn trồng dưa lưới áp dụng công nghệ trồng trong nhà kín
Thành phố Long Khánh có tổng diện tích chôm chôm nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý hơn 282 ha (trong đó: phường Xuân Tân 15,8ha, phường Bảo Vinh hơn 117 ha, xã Bình Lộc hơn 120 ha và xã Bảo Quang hơn 27 ha với 100% sản phẩm tươi, bán cho thương lái chiếm trên 95%. Ngày 25/3/2021, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND thành phố Long Khánh tiến hành khảo sát các đơn vị có nhu cầu sử dụng Chỉ dẫn địa lý chôm chôm Long Khánh tại xã Bình Lộc và Bảo Quang với diện tích trên 72ha và 52 cá nhân có nhu cầu đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Long Khánh dùng cho sản phẩm chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn trên địa bàn. UBND thành phố giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố phối hợp với đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Tập đoàn VIME triển khai thí điểm Đề án “Giải pháp lưu giữ, phát triển bền vững các giống cây ăn quả có chỉ dẫn địa lý của thành phố Long Khánh" đã hoàn thành việc gắn 280 mã QR và cập nhật thông tin, dữ liệu (số mã chỉ dẫn của cây, tên vườn, địa chỉ, điện thoại, mã số cây, năm trồng, năng suất bình quân, tọa độ địa lý) trên cây chôm chôm tróc và nhãn cho 03 hộ dân tại xã Bình Lộc (tổng diện tích 5.5 ha). Chỉ dẫn địa lý cây chôm chôm luôn được sự quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố, cấp ủy, UBND các phường, xã trong công tác tuyên truyền vận động, hỗ trợ chuyển giao công nghệ về bảo quản và chế biến sau thu hoạch sản phẩm chôm chôm; Xây dựng nội dung, chương trình về tầm quan trọng, vai trò và lợi ích của việc thực hiện Chỉ dẫn địa lý.
Chuyển đổi vườn trồng chôm chôm Thái có giá trị kinh tế cao
Hiện nay trên thị trường du nhập giống chôm chôm Thái có giá trị kinh tế cao nên nông dân đang có xu hướng chuyển đổi sang trồng cây chôm chôm Thái hoặc các loại cây trồng khác mang kinh tế cao hơn như sầu riêng, bưởi, … Do đó diện tích trồng chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn nằm trong vùng đăng ký chỉ dẫn địa lý trên địa bàn giảm. Đa số chôm chôm thu hoạch đều do thương lái vào tận nơi thu mua trực tiếp, chưa có hợp đồng bao tiêu từ các công ty; bên cạnh đó tất cả các sản phẩm chôm chôm bán ra thị trường là bán tươi vì thế thời gian bảo quản ngắn.