Nông nghiệp công nghệ cao – xu thế tất yếu.
Hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Long Khánh được đầu tư thực hiện với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn thành phố có tổng diện tích tự nhiên 19.297,8 ha, trong đó đất nông nghiệp 16.100 ha, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố đạt gần 28% tổng giá trị toàn ngành, tăng 2,83% so với năm 2021, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt được xác định là loại cây trồng chủ lực của thành phố.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn thành phố tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, tạo thành cơ chế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, nông nghiệp xanh, phát triển bền vững hướng tới “NET ZERO". Điển hình như: Mô hình sầu riêng VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Xuân Lập với diện tích khoảng 71 ha, nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, vườn sầu riêng của Hợp tác xã mỗi năm doanh thu đạt khoảng 70 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi hàng năm khoảng 49 tỷ đồng. Hay như Công ty TNHH Yergat sản xuất nho lấy lá công nghệ cao, với diện tích 4 ha, trồng trong nhà lưới, hệ thống tưới bằng bộ điều khiển tự động, quy trình sản xuất khép kín từ trồng, thu hoạch đến thành phẩm và đóng gói xuất khẩu sang các nước Trung Đông, mỗi năm đạt trên 35 tấn, với doanh thu 7 tỷ đồng/năm, trừ chi phí đầu tư sản xuất, lợi nhuận đạt được 300 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng phòng Kinh tế thành phố Long Khánh cho biết về việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao:“Trên địa bàn thành phố Long Khánh có nhiều mô hình thực hiện ứng dụng công nghệ cao như dưa lưới, mô hình nhà màng, tưới tự động kết hợp với phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học, chăn nuôi VietGap, tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển xuất khẩu hiện nay".
Chủ vườn thu hoạch chôm chôm
Hiện nay, thành phố Long Khánh phối hợp thực hiện đề án “Giải pháp lưu giữ và phát triển bền vững các giống cây ăn quả có chỉ dẫn địa lý của thành phố Long Khánh", đã hoàn thiện việc gắn 280 mã QR và cập nhật thông tin, dữ liệu (số mã chỉ dẫn của cây, tên vườn, địa chỉ, điện thoại, mã số cây, năm trồng, năng suất bình quân, tọa độ địa lý) trên cây chôm chôm Tróc và Nhãn tại ba hộ tham gia thực hiện thí điểm tại xã Bình Lộc. Chủ vườn chôm chôm Nguyễn Duy Khánh, Ấp Cây Da, xã Bình Lộc, Thành phố Long Khánh cho biết: “Chỉ cần check lên mã QR này thì sẽ hiện rõ thông tin cây chôm chôm để mình lựa chọn và mua. Khách có thể đặt hàng cây chôm này cho chủ vườn chăm sóc, đến khi nào gia đình muốn về thu hoạch thì tận tay hái và nhìn thấy cây chôm chôm. Đây là hình thức mới đang dần triển khai, chủ nhân có thể ở nước ngoài hoặc các tỉnh trên cả nước, biết được thông tin của cây chôm chôm này".
Long Khánh xúc tiến xuất khẩu nông nghiệp.
Việc bảo quản và chế biến sau thu hoạch đối với các loại trái cây được bà con nông dân trăn trở. Để các sản phẩm nông sản đạt các tiêu chuẩn được xuất khẩu đi các nước là một điều không hề dễ chút nào. Nhưng với Cơ sở đóng gói chôm chôm tróc Hải Hương xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh đã làm được điều này, năm 2024 cơ sở đóng gói Hải Hương đã xuất khẩu 05 Container với trên 175 tấn chôm chôm tróc sang thị trường Hàn Quốc. Một trong những yếu tố thành công đó chính là sự uy tín về chất lượng sản phẩm cũng như các quy trình đóng gói xuất khẩu. Anh Lê Tuấn Hải -Chủ cơ sở đóng gói chôm chôm tróc Hải Hương xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh cho biết:“Khi mình thu chôm chôm về thì rửa cho kỹ rồi để ráo, sau đó cấp đông âm từ 35-36 độ, khi chôm chôm cứng công nhân bắt đầu lựa ra những trái bị sâu và nhỏ bỏ ra. Tiêu chuẩn 1kg từ 32-34 trái, 01 gói là 1k,g, rồi hút chân không, hàn miệng cho tốt thì mới xuất khẩu được".
Tham quan cơ sở đóng gói chôm chôm tróc xuất khẩu
* Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, tự nhiên hữu cơ đang được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn vì sức khỏe bản thân và gia đình. Đây là hướng đi được nhiều nông dân trên địa bàn TP Long Khánh lựa chọn phát triển.
Đến thăm mô hình trồng măng cụt theo hướng hữu cơ của hộ gia đình Anh Vương Thành Nam tại tổ 26, Khu phố Bảo Vinh B, Phường Bảo Vinh, với diện tích 1ha, cách đây 5 năm anh Nam đã chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, năng suất măng cụt vượt trội, tốt cho đất, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, được thị trường đón nhận, nhiều thương lái, các cửa hàng ở TP.HCM, Hà Nội đặt mua và còn xuất khẩu sang Anh, Australia và New Zealand, với sản lượng bình quân 7 tấn/năm, mỗi năm vườn măng cụt mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh trên 300 triệu đồng. Anh Vương Thành Nam, tại tổ 26, Khu phố Bảo Vinh B, Phường Bảo Vinh, TP. Long Khánh chia sẻ thêm:“Hữu cơ sinh học này thì sinh trưởng của cây, của đất, trái rất là tốt. Cây phát triển hàng năm chất lượng trái tốt lên hàng năm, tổng sản lượng thu hoạch của tăng dần. Hướng hữu cơ sinh học này còn an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và người nông dân mình làm để tránh được bệnh tật".
Năm 2023, vườn của anh Vương Thành Nam giải nhất, tại hội thi vườn cây kiểu mẫu do Thành phố tổ chức.
Lợi ích kép từ sử dung men vi sinh IMO.
Hiện nay Long Khánh có 31 mô hình ứng dụng vi sinh vật bản địa (IMO) trong trồng trọt, với diện tích khoảng 38,54 ha các loại cây, chủ yếu là cây ăn trái. Điểm nổi bật trong nông nghiệp mà các hộ nông dân thành phố đang ứng dụng những phế phẩm IMO ủ làm phân tưới cho cây, phun trực tiếp vào lá và trái đem lại hiệu quả cao. Hộ Ông Phùng Văn Thống, cư ngụ tại tổ 23, khu phố Suối Tre, phường Suối Tre, nhờ áp dụng chế phẩm IMO nhiều năm liền vườn cây của gia đình ông luôn cho trái sớm và chất lượng. Mỗi năm, trên diện tích 1ha sầu riêng của ông thu về gần 01 tỷ đồng. Ông Phùng Văn Thống - Chủ vườn sầu riêng tổ 23, khu phố Suối Tre, phường Suối Tre, Tp.Long Khánh chia sẻ thêm:“Tôi ủ phân cá, phân chuối, đậu nành thì đem lợi ích cho người nông dân rất cao bởi chi phí giảm. Cây ăn trái phát triển nếu như phân hữu cơ thì cho trái đẹp, cây bền, năm nào thương lái vô mua đều khen đẹp".
Từ việc ứng dụng kỹ thuật IMO. Không chỉ góp phần giải quyết được những vấn đề ô nhiễm môi trường, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Ngày hội KOL Livestream bán sản phẩm Ocop
* Thực hiện việc chuyển đổi số, ứng dụng số giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa cung - cầu, hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá", “được giá mất mùa". Trong năm 2024, một trong những khâu đột phá mà thành phố Long Khánh thực hiện hiệu quả tại Ngày hội KOL Livestream bán sản phẩm Ocop trên các nền tảng thương mại điện tử diễn ra tại Long Khánh.
Tại ngày hội, các chủ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, chủ thể Ocop có gian hàng tại lễ hội trái cây Long Khánh sẽ lựa chọn sản phẩm Ocop bất kỳ trên địa bàn thành phố và triển khai Livestream bán sản phẩm trên nền tảng được Ban tổ chức quy định gồm: Facebook và Tiktok. Các sản phẩm được giới thiệu đa số là những đặc sản địa phương như: Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bơ, các loại nấm, tương,…Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Chủ vườn du lịch sinh thái Cầu Dầu Glamping TP.Long Khánh chia sẻ: “Em đã thấy được việc livestream là một phương pháp bán hàng rất là hiệu quả, từ phương pháp livestream để có thể quảng bá trái cây đặc sản của địa phương đến những vùng miền lân cận và cả nước được biết".
Bà Linda Trương - Chủ tịch Hazal Beauty cho biết: “Đây là một trong những chương trình rất là ý nghĩa, làm thế nào để các bạn kiếm được doanh thu từ việc kinh doanh online và LinDa cho rằng đây chính là giá trị mà cộng đồng chúng ta sẽ hướng đến trong thời gian tới".
Sự kiện mở ra những triển vọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố đến với người dân trong nước và quốc tế.
Hỗ trợ vốn vay, chìa khóa vàng.
* Bên cạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, thì Thành phố Long Khánh chú trọng việc đầu tư vốn vay, hỗ trợ các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản cho các cơ sở như: Cơ sở Nấm Phương Linh máy sấy thăng hoa được hỗ trợ với số tiền 264 triệu đồng; cơ sở Tương Việt máy đóng gói sản phẩm với kinh phí 174 triệu đồng. Mới đây, đã giải ngân nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân 06 dự án cho 47 hộ, với số tiền gần 4 tỷ đồng, kịp thời giúp cho nông dân mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển sản xuất cho gia đình. Ông Ngô Tấn Kiệt - Nông dân ấp Đồi Rùi, xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh là một trong số hội viên được hỗ trợ vay vốn, Ông Kiệt chia sẻ:“Tôi được vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân để áp dụng sản xuất nông nghiệp. Trước mắt áp dụng công nghệ kỹ thuật cao chăm sóc cây trồng như hệ thống tưới nước tự động, phun thuốc tự động, từ đó giảm sức lao động cho bà con và đạt hiệu quả kinh tế cho gia đình nhiều hơn".
Long Khánh hướng đến thực phẩm sạch - an toàn.
Trao dê cho các hộ gia đình khó khăn
* Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nắm bắt được nhu cầu thị trường luôn ưu tiên sử dụng sản phẩm sạch, chất lượng, nguồn gốc thực phẩm phải rõ ràng. Ghi nhận tại hộ gia đình ông Phạm Văn Tiêu, ngụ tại ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang, Tp.Long Khánh đã thực hiện mô hình trang trại chăn nuôi dê khép kín từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, với diện tích gần 1 ha đất, trong đó 3 sào dùng để làm trang trại nuôi dê, 7 sào trồng cỏ làm thức ăn cho dê. Ông còn kết hợp mở chuỗi nhà hàng tiêu thụ sản phẩm thịt dê tại thành phố. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 700 triệu đồng. Có thể thấy, áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn cho dê, vừa giúp tăng cường khả năng kháng bệnh cho dê nhất là trong mùa nắng nóng, vừa gia tăng chất lượng thịt dê. Ông Phạm Văn Tiêu - Chủ trang trại nuôi dê ở ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang, Tp.Long Khánh chia sẻ thêm:“Ủ chua bằng thùng, 1 thùng thì khoảng 40kg cỏ kết hợp 1 lít rỉ mật đường, 300gam muối, 2 lít nước, 1 ít men ủ vi sinh rải đều lên trên, đậy nắp kính lấy chân không để không khí không được vào. Có thể để được từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu hôm nay ủ thì sau khoảng 15 ngày là có thể cho dê ăn được, đầy đủ chất dinh dưỡng".
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Long Khánh cho biết: "Mô hình về chăn nuôi khép kín của ông Phạm Văn Tiêu ở xã Bảo Quang là áp dụng ủ chua thức ăn, như vậy có thể giữ được trong mùa khô để đảm bảo nguồn thức ăn. Trên cơ sở thức ăn ủ này, thì nó sẽ làm cho con dê tiêu hóa tốt, sự sinh trưởng cao, chất lượng về thịt của con dê rất là tốt".
*Hay như trang trại chăn nuôi heo trong chuồng lạnh của ông Đinh Văn Sơn ở Ấp 4, xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh, là mô hình chăn nuôi khép kín, từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, với quy mô 240 con heo nái và sinh sản được khoảng 6.500 con heo thịt/năm, trên diện tích chuồng nuôi chiếm khoảng 1 ha/5 ha đất canh tác. Lợi nhuận mang lại rất là cao, hàng năm sau khi trừ chi phí còn thu được số tiền trên 1 tỷ đồng. Ông Đinh Văn Sơn – Chủ trang trại chăn nuôi heo chuồng lạnh tại Ấp 4, xã Bình Lộc cho biết: “Chăn nuôi heo trong chuồng lạnh tăng trọng nhanh giảm tiêu tốn thức ăn, giảm lượng thuốc điều trị bệnh, giảm công lao động, giảm tỷ lệ hao chết, an toàn sinh học rất là cao, đảm bảo kinh tế rất cao hơn 20% so với chuồng hở".
Đây là một mô hình chăn nuôi hiệu quả, thành phố Long Khánh đang nhân rộng trên địa bàn thành phố.
Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc. Thành phố Long Khánh tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, cũng như phát triển ngành nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, hướng tới “NET ZERO"./.