Thực hiện Kế hoạch ngày 02/8/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. UBND thành phố Long Khánh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, theo đó, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 79,2ha diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ như sử dụng chế phẩm IMO, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tỷ lệ trên 50%. Bên cạnh đó, đối với đa số diện tích cây ăn trái hiện nay trên địa bàn, người dân đã sử dụng phân hữu cơ để tăng độ phì cho đất, ngọt trái…; Để phát triển diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ trên địa bàn, thành phố đã và đang triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ; riêng trong năm 2024 đã thực hiện 08 mô hình theo chương trình khuyến nông (01 mô hình dưa lưới, 03 mô hình sầu riêng, 02 mô hình bưởi, 02 mô hình lúa); triển khai hỗ trợ thực hiện 38 mô hình nông nghiệp hữu cơ với chế phẩm IMO; Hội Nông dân thành phố đang phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường triển khai kế hoạch thực hiện mô hình IMO phục vụ nông nghiệp hữu cơ với số lượng dự kiến 180 mô hình tại 09 phường, xã sản xuất nông nghiệp.
Theo Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 tỉnh Đồng Nai, thành phố Long Khánh không thuộc vùng được lựa chọn hình thành các vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ (với các nguyên nhân như chất lượng đất, nước, khu vực phát triển đô thị). Tuy nhiên, trên địa bàn sẽ thực hiện các điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ không tập trung như: rau hữu cơ 10ha tại xã 2 Bảo Quang, tiêu hữu cơ 6ha tại xã Hàng Gòn, sầu riêng hữu cơ 5ha ở phường Xuân Lập và chôm chôm 5ha tại xã Hàng Gòn.
Triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố Long Khánh đến năm 2030.pdf
Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu việc triển khai thực hiện được tổ chức một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đạt hiệu quả.
Mục tiêu chung, khuyến khích các tổ chức và cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm cao gấp 1,5 – 2,0 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường; đảm bảo an toàn cho người sản xuất, bảo vệ sự đa dạng hệ sinh thái và môi trường; gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Theo đó đến năm 2025, tổng diện tích trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ là 142 ha, chiếm 1,5% diện tích nhóm đất sản xuất trồng trọt toàn địa bàn thành phố; trong đó, diện tích trồng trọt hướng hữu cơ đạt 140 ha, chiếm 1,48% diện tích nhóm đất sản xuất trồng trọt toàn địa bàn thành phố và diện tích trồng trọt hữu cơ đạt 02 ha, chiếm 0,02% diện tích nhóm đất sản xuất trồng trọt trên địa bàn. Hướng dẫn, khuyến khích thực hiện chăn nuôi theo hướng hữu cơ trên các loại gia súc, gia cầm. Khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực.
Đến năm 2030, nâng tổng diện tích trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ đạt 202 ha, chiếm 2,13% diện tích nhóm đất sản xuất trồng trọt toàn địa bàn thành phố; trong đó, diện tích trồng trọt hướng hữu cơ đạt 190 ha, chiếm 2% diện tích nhóm đất sản xuất trồng trọt toàn địa bàn thành phố và diện tích trồng trọt hữu cơ đạt 12 ha, chiếm 0,13% diện tích nhóm đất sản xuất trồng trọt toàn địa bàn thành phố. Tiếp tục khuyến khích thực hiện chăn nuôi theo hướng hữu cơ; Ở mỗi vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung, hình thành chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với từng ngành hàng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cao gấp 1,5 - 2,0 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường.