Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, làng nghề trồng nấm lớn nhất thành phố Long Khánh tại ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang đang tích cực chuẩn bị cho vụ thu hoạch lớn nhất trong năm. Làng nghề nấm phát triển sẽ tạo thu nhập cho người dân nên thành phố hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để nông dân nâng cao kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cơ sở sản xuất các loại phôi nấm của gia đình chị Nguyễn Thị Huê, ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, không khí làm việc diễn ra khá nhộn nhịp. Đóng bịch, treo bịch, cấy meo,... Mỗi người mỗi việc, ai cũng tập trung, hối hả. Chị Huê cho biết, cơ sở của gia đình trung bình sản xuất 8.000 bịch phôi nấm/ngày, nhưng dịp cuối năm chị phải tăng lên 13.000 bịch mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của các trang trại làm nấm Tết quanh vùng. Vì vậy, ngoài hai vợ chồng, chị còn phải thuê thêm 14-15 nhân công lao động đến làm việc với mức tiền công chi trả từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Chị Huê kiểm tra mẻ nấm tại cơ sở phôi
Chị Nguyễn Thị Huê, Chủ cơ sở sản xuất phôi nấm, ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang chia sẻ: “Thời tiết năm nay lạnh, nấm so với mọi năm có giá hơn, bà con trông chờ vào vụ nấm cuối năm nay. Lượng công nhân của mình lúc trước khoảng 7 người, nhưng bây giờ tăng khoảng 15 ngườ,i nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con có thu nhập để ăn Tết vui vẻ, đầm ấm hơn."
Đây là trại trồng nấm mèo của ông Nguyễn Văn Tuấn ngụ cùng ấp Bàu Cối. Ông Tuấn là người có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng nấm. Nhờ vậy, nấm của ông thường phát triển tốt, ít bị bệnh và đạt năng suất cao. Trong vụ nấm Tết Nguyên đán năm 2025, ông treo hàng chục ngàn bịch, hiện nấm đang trong giai đoạn bung tai lớn, khoảng 20 ngày nữa trại nấm mèo sẽ cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang nói lên cảm nghĩ của mình: “Thời tiết năm nay thuận lợi hơn năm ngoái, sản lượng nấm cũng tăng hơn, giá cả năm nay rất cao, từ 88-90 ngàn đồng/ 1 kg. Sau khi thu hoạch nấm mèo xong thì bịch này thải ra bán cho những người làm nấm rơm, những người làm nấm rơm xong lại bán cho nông dân làm phân nên không gây ô nhiễm môi trường. Nghề nấm này giúp gia đình tôi nuôi con cái ăn học và ổn định cuộc sống."
Công nhân đóng bịch tại cơ sở sản xuất
Nghề trồng nấm tại ấp Bàu Cối có từ năm 2000, ban đầu chỉ có vài hộ trồng nấm nhỏ lẻ. Sau khoảng 25 năm phát triển, hiện địa phương đã có hàng trăm hộ làm nghề trồng nấm. Nhờ có nguồn mùn cưa dồi dào làm giá thể, kỹ thuật trồng, chăm sóc lại không quá khó nên ở đây đã hình thành cả một làng trồng nấm, trong đó khoảng 90% là trồng nấm mèo. Mỗi năm, các hộ sẽ trồng từ 2-3 vụ nấm mèo, trong đó vụ chính là vụ Tết Âm lịch.
Đầu năm 2019, làng nấm ấp Bàu Cối chính thức được công nhận là làng nghề với tên gọi “Làng nghề nuôi trồng nấm Bàu Cối". Hiện có 160 hộ làm nghề trồng nấm với diện tích khoảng 30 hécta. Từ năm 2020, đề tài Nghiên cứu về xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho nấm mèo Long Khánh đã được nghiệm thu và bàn giao cho địa phương.
Ông Tạ Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Quang cho biết thêm: “Chính quyền địa phương hỗ trợ cho người dân tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm Vietgap để cho sản phẩm sạch, xuất khẩu đi được các địa phương khác cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, địa phương hướng dẫn bà con nâng cao chất lượng của hợp tác xã để bảo tồn được làng nghề, duy trì được sản lượng ngày càng tăng, từ đó đời sống bà con trong làng nghề ngày càng nâng cao thu nhập."
Làng nghề nuôi trồng nấm đã tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, tạo thu nhập ổn định cho người làm nấm, góp phần đạt chỉ tiêu tăng thu nhập trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã Bảo Quang có 1 Hợp tác xã, 1 tổ hợp tác trồng và sơ chế nấm. Để tiếp tục phát triển nghề trồng nấm, thì cần có sự hỗ trợ cấp trên về kỹ thuật trồng nấm cho người dân, đồng thời đẩy mạnh chương trình phát triển thương hiệu, kết nối sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuỗi liên kết để nghề trồng nấm nói chung và nấm mèo của xã Bảo Quang được biết đến rộng rãi ở khắp cả nước, hướng tới xuất khẩu.