
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Chí Trung
*Chiến dịch 12 ngày đêm giải phóng Long Khánh
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Đồng Nai đã kiên cường bám trụ, chiến đấu oanh liệt làm nên chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh tháng 4/1975 vang dội, đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sau khi tỉnh lỵ Phước Long được giải phóng, đặc biệt là với thắng lợi của chiến dịch Buôn Ma Thuột (3/1975), Mỹ và chế độ tay sai Sài Gòn đã nhìn thấy trước mắt viễn cảnh sụp đổ. Để cứu vãn tình thế, với suy nghĩ “phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn", cuối tháng 3/1975, Mỹ - nguỵ quyết định xây dựng một phòng tuyến phòng ngự ở phía đông với Xuân Lộc làm tâm điểm. Tuyến phòng ngự này được xác định trên một chính diện khá rộng: từ Túc Trưng đến Dầu Giây- thị xã Long Khánh (nay là thành phố Long Khánh) - ngã ba Tân Phong (Quốc lộ I) và Tân Phong - Suối Râm - Núi Con Rắn (liên tỉnh lộ số 2), án ngự quốc lộ I, quốc lộ 20, liên tỉnh lộ 2 là vị trí quan trọng bảo vệ vùng ngoài khu liên hợp Long Bình, quân đoàn 3, sân bay Biên Hòa và cả sài Gòn ở phía Đông. Tại đây địch tập trung toàn bộ sư đoàn 18, 7 tiểu đoàn bảo an, trung đoàn 5 thiết giáp và 1.500 nguỵ quyền, cảnh sát tại chỗ. Mục đích của Mỹ ngụy khi xây dựng phòng tuyến này là nhằm ngăn chận chủ lực quân giải phóng miền Nam, kéo dài sự tồn tại của chế độ tay sai, mong chờ sự can thiệp của Mỹ.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị nhận định quân địch đã bị tổn thất nặng và đang rất hoang mang, thời cơ thực hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng miền Nam đã xuất hiện và quyết định dốc toàn lực giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Nắm chắc ý đồ của địch, đánh giá vị trí quan trọng của Xuân Lộc, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo: “Cần có kế hoạch tức khắc tập trung pháo lớn, phần nào xe tăng và bộ binh, nhân lúc địch hoang mang, diệt bọn bại binh mới chạy về, tiêu diệt một bộ phận sư đoàn 18, đánh chiếm Xuân Lộc, áp sát Biên Hòa. Khống chế được sân bay Biên Hòa thì không quân địch mất tác dụng, địch ở Sài Gòn sẽ hoang mang to". Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Quân ủy, Bộ Tư lệnh miền Nam quyết định tập trung lực lượng gồm Quân đoàn 4 (có sư đoàn 1, sư đoàn 7, sư đoàn 6, trung đoàn độc lập 95b) phối hợp cùng các lực lượng vũ trang ở địa phương mở chiến dịch Xuân Lộc. Để tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực thực hành tiến công, quân dân địa phương Xuân Lộc - Long Khánh đã kết hợp tiến công vũ trang với tiến công chính trị, binh vận đã giải phóng hầu hết các xã ven thị xã (nay là thành phố Long Khánh), phối hợp cùng các đơn vị hậu cần chuẩn bị lương thực, thuốc cứu thương phục vụ chiến dịch và có phương án sơ tán dân trong thị xã (nay là thành phố Long Khánh) ra nơi an toàn. Đến cuối tháng 3 đầu tháng 4/1975, công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn thành.
Rạng sáng ngày 09/4/1975, chiến dịch Xuân Lộc mở màn bằng những loạt pháo liên tiếp vào các mục tiêu trong thị xã Long Khánh (nay là thành phố Long Khánh). Tới 7 giờ 30 phút, sư 341 và sư 7 của ta tiến công hai hướng Đông bắc và Tây bắc thị xã (nay là thành phố Long Khánh), chiếm lĩnh và treo cờ Mặt trận trên hầu hết các căn cứ của địch như trại biệt động quân, trụ sở tình báo CIA Mỹ, tòa hành chính, tỉnh đoàn bảo an. Với sự chi viện tối đa của không quân và quân nhảy dù (lữ đoàn I) ngụy cùng với quân địch từ các hầm ngầm phản kích dữ dội. Nhưng với sức chiến đấu mưu trí, anh dũng kiên cường, quân và dân ta đã từng bước bẻ gẫy các mũi tấn công của địch, phá hủy nhiều công sự địch trong thị xã (nay là thành phố Long Khánh) đồng thời các cơ sở cách mạng trong nội ô tiến công binh vận làm tan rã các đơn vị bảo an, dân vệ địch. Đêm ngày 20/4, đại quân ta mở đợt tiến công cuối cùng trên 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Xe tăng và pháo binh quân giải phóng tiến vào thị xã (nay là thành phố Long Khánh). Hầu hết các căn cứ quân sự và cơ quan địch đều tung bay cờ Mặt trận. Vào lúc 22 giờ, hơn 220 xe cơ giới địch rút chạy theo liên tỉnh lộ số 2 về Bà Rịa. Đến sáng ngày 21/4/1974, “tuyến phòng thủ thép" của địch ở Xuân Lộc đã bị đập tan. Thị xã Long Khánh (nay là thành phố Long Khánh) được hoàn toàn giải phóng đúng vào lúc 8 giờ cùng ngày, cửa ngõ tiến quân vào Sài Gòn đã mở.
Chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “Cánh cửa thép", cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn; là đòn tiến công chiến lược làm rệu rã tinh thần và ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai; đập tan ý đồ co cụm, mong chờ sự can thiệp của Mỹ hòng tìm một giải pháp chính trị cho chế độ tay sai ở miền Nam. Ngày 23/4/1975, tổng thống Giê-ran Pho của Mỹ đã tuyên bố cuộc chiến ở miền Nam đã chấm dứt với người Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc (Long Khánh) đã tạo một địa bàn tập kết thuận lợi, cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào Sài Gòn từ hướng Đông, một thế trận mới rất có lợi làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà vào ngày 30/4/1975.
- Tướng Mỹ Uây - Oen nói với Nguyễn Văn Thiệu “phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Từ nhận định như vậy, địch đã tập trung một lực lượng lớn để phòng thủ Xuân Lộc.
Cuộc chiến đấu ở Xuân Lộc diễn ra hết sức quyết liệt, giằng co giữa ta và địch. Đến ngày 21/4, Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được hoàn toàn giải phóng.
Chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “Cánh cửa thép", cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh tinh thần chiến đấu của quân ngụy. Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc đã tạo một địa bàn tập kết thuận lợi, cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào Sài Gòn từ hướng Đông, một thế trận mới rất có lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong 3 ngày chiến đấu giằng co quyết liệt (từ ngày 09 đến ngày 11/4/1975) Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 đã tập trung lực lượng quyết tâm mở các đợt tiến công đột phá sâu vào căn cứ Sư đoàn 18 Ngụy tại Xuân Lộc và ngăn chặn địch phản kích phía Nam thị xã (nay là thành phố Long Khánh), nhưng đều bị địch ngăn chặn quyết liệt bằng lực lượng bộ binh và các loại hỏa lực. Các mũi tiến công của sư đoàn phải dừng lại bám trụ, hoặc bị đẩy ra vòng ngoài.
Như vậy, sau 3 ngày chiến đấu, về cơ bản địch vẫn giữ được các khu vực phòng thủ trên các hướng và tổ chức ngăn chặn có hiệu quả sức tấn công của ta. Sư đoàn 7 đã đưa Trung đoàn 141 (dự bị) cùng một tiểu đoàn pháo hỗn hợp cao xạ 37 và 57 ly vào chiến đấu nhưng vẫn gặp khó khăn. Quân số thương vong cao (hy sinh gần 300 người, bị thương cả 1.000 người). Một số xe tăng, pháo cối bị hư hỏng nặng.
Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Miền và Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 quyết định thay đổi cách đánh: Từ tiến công thẳng vào Thị xã (nay là thành phố Long Khánh) chuyển sang đánh các lực lượng địch mới được điều đến tiếp viện, thực hành chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích. Trước sức uy hiếp của quân ta, ngày 20 - 4 - 1975 địch phải tháo chạy khỏi Xuân Lộc.
- Tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh do Lê Minh Đảo, Chuẩn tướng - tư lệnh sư đoàn 18 bộ binh đảm nhiệm. Thiệu và chính quyền Sài Gòn dồn hết sức chi viện cho Xuân Lộc, coi đây là tuyến phòng thủ quan trọng nhất ngăn chặn bước tiến của quân Giải phóng từ hướng Đông. Trong cuộc họp báo nhằm lên dây cót tinh thần cho binh lính ngụy, Đảo huênh hoang tuyên bố: “Bất chấp phía bên kia tung ra bao nhiêu sư đoàn cũng sẽ đánh gục hết". Đảo thề sẽ giữ vững Xuân Lộc, quyết đánh một trận oai hùng cho thế giới biết đến và người Mỹ phải tăng thêm viện trợ. Tuyến phòng thủ kiên cố và sự chống trả quyết liệt của Đảo cũng gây cho quân Giải phóng một số khó khăn, nhưng chỉ sau hơn 10 ngày chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân ngụy ở Xuân Lộc, Chuẩn tướng Lê Minh Đảo phải cùng đám tàn quân tháo chạy tán loạn. Ngày 20/4, Xuân Lộc thất thủ, thì ngày 21/4, Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức và chuồn ra nước ngoài.
Trích nguồn tài liệu tuyên truyền kỷ niệm giải phóng Long Khánh 21/4