
II. CÁC GIAI ĐOẠN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC CỦA DÂN TỘC
1. Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, việc ngừng bắn, tập kết, chuyển quân và chuyển giao khu vực được thi hành trong vòng 300 ngày, sau hai năm sẽ thực hiện tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên, đế quốc Mỹ, thực dân Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại việc thi hành Hiệp định, cố tình khiêu khích, trì hoãn việc ngừng bắn trên các chiến trường; dụ dỗ và cưỡng ép gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam; tháo dỡ, mang đi hoặc phá hoại máy móc, dụng cụ, tài sản công cộng nhằm làm tê liệt, gây khó khăn cho ta trong việc tiếp quản vùng giải phóng ở miền Bắc; rải truyền đơn, tài liệu xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm lung lạc quần chúng, gây hoang mang trong Nhân dân. Thông qua chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, Mỹ tập trung thực hiện chính sách "tố cộng, diệt cộng" đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 biến miền Nam thành nhà tù, trại giam, trại tập trung, cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.
Khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 mở rộng (tháng 7/1954) xác định “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương"[1]. Trước tình thế mới, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bố trí một số cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào đấu tranh, đồng thời thực hiện việc chuyển quân, đưa hàng vạn con em, chiến sĩ, đồng bào, cán bộ ở miền Nam ra Bắc học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cũng như chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh; lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ.
Thực hiện nhiệm vụ trên, ở miền Bắc, Đảng ta tích cực chỉ đạo triển khai những biện pháp nhằm nhanh chóng ổn định, sớm tổ chức cuộc sống mới sau chiến tranh. Sau kế hoạch 3 năm (1955-1957) khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, kế hoạch 3 năm (1958-1960) cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững chắc cho đấu tranh thống nhất nước nhà, miền Bắc đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, căn bản xoá bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng Nhân dân ta vẫn một lòng theo Đảng, kiên cường, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Tháng 01/1959, Nghị quyết Trung ương 15 ra đời, chủ trương chuyển cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân; phản ánh đúng xu thế tất yếu của lịch sử, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, là ngọn lửa dấy lên cao trào Đồng khởi (1959-1960) làm xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, mở đầu những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, HN 2001, T15, tr225.
Nguồn: Đề cương Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy cung cấp