Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa ở lại thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm sau khi tốt nghiệp thì anh Nguyễn Minh Hiếu, phường Xuân An, thành phố Long Khánh chọn hướng đi riêng là về quê theo đuổi nghề làm nấm với mong muốn khởi nghiệp làm giàu cho gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Mô hình làm nấm theo hướng bền vững để tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường của anh Hiếu đã mang lại nhiều kết quả ban đầu rất khả quan.
Đến tham quan mô hình trồng nấm tại ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang của anh Nguyễn Minh Hiếu cho biết về con đường khởi nghiệp. Năm 2019 anh tốt nghiệp và tiếp tục học liên thông tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh với hình thức đào tạo từ xa. Nhờ đó, anh có nhiều thời gian theo đuổi đam mê khởi nghiệp.
Trong thời gian ở thành phố Long Khánh, anh Hiếu nhận thấy khu vực mình đang sinh sống là làng nghề làm nấm đủ các loại đã tồn tại hàng chục năm. Anh đã dành thời gian tìm hiểu thì thấy mô hình này có nhiều triển vọng để phát triển, cũng như phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế gia đình. Từ đó, anh nghĩ ra ý tưởng khởi nghiệp từ nghề nấm để vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
%201.jpg)
Tham quan mô hình trồng nấm của anh Nguyễn Minh Hiếu
Năm 2023, anh Hiếu chính thức triển khai thực hiện mô hình trồng nấm. Vùng đất Long Khánh có khí hậu nhiệt đới gió mùa với nhiệt độ và độ ẩm ổn định quanh năm. Nguyên liệu từ nông nghiệp (rơm, mùn cưa cao su...) rất dồi dào; nguồn lao động đông và có kinh nghiệm, gắn bó nhiều năm trong nghề nấm…, đã góp phần giúp cho việc trồng nấm mang lại hiệu quả cao.
Anh Nguyễn Minh Hiếu, Phường Xuân An chia sẻ: “Về vốn thì được gia đình hỗ trợ, cùng các ban ngành đoàn thể của phường, đặc biệt Đoàn phường đã giúp đỡ hỗ trợ vốn từ nguồn vốn khởi nghiệp của Ngân hàng chính sách để phát triển làm nấm. Hiện tại tôi đã đầu tư 19 trại mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho những hộ xung quanh. Đặc biệt là thanh niên có chí hướng khởi nghiệp cùng làm giàu trên mảnh đất quê hương".
Bên cạnh thuận lợi, anh Hiếu gặp những khó khăn như: mô hình mới khiến anh chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc cũng như xử lý bệnh cho nấm; chi phí đầu tư cho mô hình làm nấm lớn khiến anh gặp khó khăn về vốn… Thế nhưng, anh đã kiên trì thực hiện phương án “vừa làm, vừa học", dành thời gian nghiên cứu thông tin trên sách, báo, mạng xã hội, vừa đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn công việc.
Ngoài sự nỗ lực của bản thân, anh Hiếu còn nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ những hộ làm nấm xung quanh, cũng như nhận sự quan tâm hỗ trợ từ các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc định hướng nghề nghiệp và tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đặc biệt, anh nhận được sự hỗ trợ, động viên rất lớn từ gia đình.
%202.jpg)
Anh Hiếu giới thiệu trang trại nấm Linh chi
Ông Nguyễn Đình Tân (cha của anh Hiếu) chia sẻ, gia đình gắn bó với nghề làm nấm từ năm 1993 cho đến nay đã 32 năm. Nghề làm nấm đã trải qua nhiều thăng - trầm theo thời gian nhưng gia đình vẫn tâm huyết gắn bó chứ không bỏ nghề. Cho nên, khi nghe con trai chia sẻ niềm đam mê theo đuổi nghề làm nấm và muốn áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào phát triển ngành nấm ngày càng phát triển thì gia đình rất đồng tình ủng hộ.
Ông Nguyễn Đình Tân cha của anh Hiếu, phường Xuân An nói lên cảm nghĩ của mình: “Sau khi biết tin con rất đam mê làm nấm và muốn phát triển ngành nấm của địa phương ngày một phát triển thì tôi rất mừng. Tôi cũng hết sức hỗ trợ cho con cái những kinh nghiệm mà mình vốn có và tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ phát triển ngành nấm ngày càng phát triển, vươn xa hơn".
Sự nỗ lực đã được đền đáp, hiện con đường khởi nghiệp của anh Hiếu đã mang lại thành công bước đầu. Đến nay, anh đã đầu tư 10 trang trại nấm (mỗi trại treo trung bình 20 ngàn bịch nấm) trong khu vườn rộng khoảng 1 hécta. Các loại nấm chủ lực hiện nay gồm: nấm mèo, nấm bào ngư xám, nấm linh chi… Gia đình anh duy trì làm mỗi năm 2 vụ, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, sau khi trừ tất cả chi phí.
Đặc biệt, anh Hiếu đã chọn hướng đi bền vững bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào làm nấm để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng tốt phục vụ người tiêu dùng, vừa thân thiện với môi trường. Ngoài bán sản phẩm thô, anh còn chế biến và đóng gói các loại sản phẩm từ nấm (nấm mèo thái sợi, nấm mèo nguyên tai, nấm linh chi thái lát, nấm bào ngư…) cho đa dạng mặt hàng, vừa tăng chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
%203.jpg)
Giới thiệu sản phẩm đã đóng gói
Trong thời gian tới, anh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nấm lên khoảng 2-3 hécta và trồng thêm các loại nấm ăn (nấm sò, nấm rơm, nấm mối đen…), nấm dược liệu (nấm hồng chi, nấm xích chi, nấm vân chi, đông trùng hạ thảo…), có thể nghiên cứu thêm các loại nấm đặc sản của địa phương. Từ đó tăng thu nhập cho gia đình và tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, đặc biệt là thanh niên trên địa bàn.
Chị Phạm Vũ Thanh Quyên - Phó bí thư Đoàn phường Xuân An nhận xét: “Đoàn phường cũng có định hướng cho bạn và cũng có những buổi nói chuyện về làm giàu trên mảnh đất quê hương. Bên cạnh việc tìm tòi nghiêng cứu về mô hình làm nấm của gia đình thì bạn cũng đã tham gia các hoạt động của Đoàn. Bên cạnh đó, bạn còn tham gia các hoạt động đối thoại với thanh niên bạn cũng tích cực tham gia, có những buổi giới thiệu về sản phẩm của gia đình đến với người tiêu dùng. Thông qua các kênh của Đoàn, bên cạnh đó thì đoàn cũng định hướng cho bạn vay vốn từ nguồn vốn giải quyết việc làm để mở rộng mô hình làm nấm của mình".
Ngoài ra, định hướng lâu dài của anh Hiếu còn kết hợp làm dịch vụ du lịch trải nghiệm để du khách gần xa đến tham quan quy trình sản xuất nấm, ẩm thực và giới thiệu văn hóa địa phương. Đồng thời, duy trì hướng đi bền vững bằng việc tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ người tiêu dùng; nỗ lực thực hiện việc đăng ký sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).