Hỏi đáp về phong tục Lễ Tết của các nước trên thế giới
Bất kỳ dân tộc nào trên thế giới ít hay nhiều đều có
những lễ tết đặc trưng của dân tộc mình. Đôi khi vì sự giống nhau về mặt địa lý
và vùng lãnh thổ mà các quốc gia ở cùng một khu vực có các ngày lễ tết giống
nhau, thời gian diễn ra lễ tết cũng có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên, vẫn
luôn có sự khác biệt, phản ánh đời sống văn hóa khác biệt của mỗi quốc gia.
Cuốn sách Hỏi đáp về phong tục Lễ Tết của các nước trên
thế giới sẽ giúp bạn đọc khám phá những phong tục lễ tết truyền
thống của một số nước trong năm châu lục.
Bạn có biết Tết Điwali ở Ấn Độ có nghĩa là Lễ hội Ánh
sáng? Đêm Điwali, trên các bậu cửa sổ, các ban công, dọc theo bờ tường và lối
đi trong mọi ngôi nhà là vô vàn những đĩa đèn đốt bằng dầu lặc, bằng nến, thậm
chí bằng bơ tinh khiết. Nhà cửa, phố phường lung linh ngàn vạn ngôi sao. Người
Ấn Độ tin rằng, đèn sáng sẽ lối cho Nữ thần Lăcxơmi vào nhà, đem theo phúc lộc
cho một năm mới.
Tết cổ truyền Chôn Chơnam Thơmây lại có nét đặc trưng
với những lễ rước Địa lịch, đội cỗ lên chùa, tắm tượng Phật ở Campuchia. Tết
Bunpimay với tục té nước, xây tháp cát hay buộc chỉ cổ tay của nước bạn Lào…
Và hiện nay, trên thế giới chỉ có Trung Quốc, Hàn
Quốc, Mông Cổ và Việt Nam ăn Tết theo lịch âm, tuy phong tục có đôi nét khác
nhau nhưng gần như trùng ngày với nhau. Người Hàn Quốc tắm nước nóng để tẩy
trần trước giao thừa, đốt thanh tre để xua đuổi tà ma; mặc trang phục Hanbok,
nấu món Tok kuk và trao thiếp trong ngày đầu năm mới. Còn Nhật Bản, tuy đón Tết
theo thời gian dương lịch nhưng cũng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Cứ như vậy, đọc hết 92 câu hỏi, là bạn đọc đã được du
lịch một vòng qua các quốc gia trên thế giới, vào đúng dịp ý nghĩa nhất trong
năm: dịp Lễ tết của các quốc gia đó.
Tại các nước châu Âu, châu Mỹ, đó là các ngày
Valetine (lễ Tình yêu), lễ hội Halloween, lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, đón năm
mới; truyền thuyết về chàng Jack với đèn lồng bằng vỏ bí ngô trong Lễ hội
Halloween; rồi tới phong tục lấy nước đầu năm mới của người Anh; tránh ăn tôm
trong năm mới vì kiêng năm mới sẽ đi giật lùi như tôm của người Áo… hay tổ chức
cuộc thi tìm Nữ hoàng trong Lễ hội hoa hồng ở Bungary…
Cũng thật thú vị khi bạn được biết đến Lễ Thuyền
thiêng, lễ hội cổ nhất Châu Mỹ La tinh và biểu tượng văn hóa lâu đời của
Mêhicô; một năm mới mang đến sự may mắn khi quan niệm: năm mới là phải làm mới
mình của người Mỹ; Lễ hội Quỷ sứ nhảy múa ở Venezuela; hoặc tham dự Lễ đón gió
mùa xuân ấm áp ở Ai Cập và các Lễ tế thần linh ở Châu Phi…
Cuốn sách là sự biên tập kỹ lưỡng của các tác giả,
với văn phong hóm hỉnh, kể chuyện duyên dáng, và thôi thúc mỗi người đọc khám
phá mọi nền văn hóa trên thế giới. Cuốn sách cũng gửi tới một thông điệp trước
thềm năm mới, đó là khoảng thời gian lễ tết chính là một khoảng thời gian để
chúng ta dừng lại và nhìn lại một năm đã qua của mình; để cùng hy vọng những
điều tốt đẹp, may mắn và thành công cho một năm mới.
Sách do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành,
hiện có tại Thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố Long Khánh
Thanh
Uyên