Là người sáng lập và rèn luyện quân đội ta trưởng thành, lớn mạnh, Chủ
tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng người chiến sĩ chính là nhân tố quyết định
mọi thắng lợi. Vì vậy, trong suốt quá trình phát triển của cách mạng, Người
dành nhiều công sức để đào tạo, rèn luyện, chăm sóc những thế hệ chiến sĩ trung
thành, có bản lĩnh chính trị, tri thức về quân sự, trình độ văn hoá và sức khoẻ
dồi dào, những con người dám quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Cuốn sách là những kỷ niệm, hồi ức về Bác Hồ của nhiều thế hệ chiến sỹ các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, bồi dưỡng, giáo dục
các cán bộ chiến sỹ ở tất cả quân, binh chủng khác nhau. Tại lễ tốt nghiệp khoá IV trường Quân chính Việt Nam, Hồ
Chủ tịch căn dặn học viên: “Không tự kiêu, không có cái bệnh làm quan cách mạng,
phải siêng năng: siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng
làm, sửa chữa những khuyết điểm; Trung thành với những mục đích cách mạng: giữ
cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”. Thăm văn phòng Bộ Tổng tham
mưu, Người chỉ rõ: “Bộ Tổng tham mưu là cơ quan cơ mật giúp Trung ương và Chính
phủ xây dựng và điều chỉnh bộ đội, bày mưu tính kế để đánh thắng kẻ thù. Muốn
thắng địch phải biết địch, biết ta, nắm chắc ý định cấp trên, có kế hoạch tổ chức
thực hiện cụ thể. Phải có mưu trí sáng tạo”. Gửi thư cho Hội nghị tình báo, Chủ
tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Biết địch là nhiệm vụ của tình báo. Bên ta phải biết
rõ địch, nhưng đồng thời không để địch biết ta. Vì vậy, nhiệm vụ của tình báo
là hết sức giữ kín tình hình và tin tức của ta, không cho lọt đến địch. Tình
báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: Bí mật - Cẩn thận
- Khôn khéo - Kiên nhẫn”. Tình cờ với cán bộ, chiến sĩ trên đường về giải phóng
thủ đô tại đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây
trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng
nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đến Trung đoàn hàng
không của Cục không quân, Người nói: “Nước mình rồi phải có không quân hiện đại,
phải có những chiến sỹ lái máy bay phản lực. Nhưng bước đầu thì phải đi từ những
cái dễ hiểu, dễ sử dụng rồi dần dần đầu óc sẽ được mở mang ra, chân tay thuần
thục khéo léo thêm. Thì rồi cái gì, dù tinh vi phức tạp đến đâu, ta cũng có thể
nắm được, hiểu được và làm được. Đất nước giàu mạnh lên, quan đội có đủ trang
thiết bị hiện đại như máy bay, xe tăng, tên lửa”. Đi thăm bộ đội hải quân, Người
nhắc: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được
quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng
hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam chứ không phải hải quân của thế
giới”. Trong bản di chúc lịch sử, Người cũng dặn dò Đảng và nhà nước ta phải
quan tâm đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và nhất là công ăn việc
làm của bộ đội phục viên, chuyển ngành khi cuộc kháng chiến của ta hoàn toàn thắng
lợi
Cuốn sách là những kỷ niệm, hồi ức về Bác Hồ của nhiều thế hệ chiến sỹ
các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Kính mời quý bạn đọc tìm
đọc “Bác Hồ với các chiến sỹ
Quân đội nhân dân Việt Nam” của tác giả Đỗ Hoàng Linh và Văn
Thanh Mai biên soạn do nhà xuất bản
Thanh niên phát hành năm 2009. Sách hiện có tại Thư viện thuộc
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Long Khánh. Xin giới thiệu đến
quý bạn đọc./.
Hoài
Anh