Mùa xuân năm 1986, trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác" của Phạm Thị Xuân Khải đã được đăng trên báo Tiền phong. Bài thơ là lời tâm sự của cô sinh viên năm thứ hai, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội gửi đồng chí Lê Đức Thọ, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương, bày tỏ nguyện vọng của nhân dân mong muốn đất nước đổi mới để sự nghiệp cách mạng của Đảng và lý tưởng của Bác Hồ được thực hiện, nhằm khắc phục tình hình khó khăn về kinh tế, xã hội lúc đó.
Nhận được bài thơ này, đồng chí Lê Đức Thọ đã đọc kỹ, đánh giá đây là một bài thơ có nội dung tốt nhằm đấu tranh chống cái bảo thủ, trì trệ, vì vậy đồng chí đã cho chuyển bài thơ tới báo Tiền phong. Ngay sau khi vừa xuất hiện trước công luận, bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác" nhận được nhiều ý kiến đồng tình với nội dung bài thơ từ dư luận xã hội.
Tác giả Phạm Thị Xuân Khải ngay từ năm 1974, khi đang là sinh viên Văn khoa năm thứ hai, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, đã viết “huyết tâm thư" tình nguyện “gác bút nghiên" lên đường vào chiến trường miền Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là cán sự 5 được cử đi đào tạo “cán bộ nguồn". Phạm Thị Xuân Khải khắc phục vô vàn gian khổ, khó khăn nhọc nhằn, một lòng tin tưởng vào Đảng do Bác Hồ sáng lập và dẫn dắt.
Cuốn sách “Mùa xuân nhớ Bác" - Tự sự của tác giả được nhà xuất bản Thông Tấn phát hành năm 2006
Việc Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành cuốn “Mùa xuân nhớ Bác – Tự sự của tác giả" là nhằm để bạn đọc hiểu hơn về bối cảnh ra đời bài thơ và tâm tư, suy nghĩ của một thế hệ thanh niên trong giai đoạn đầy khó khăn của đất nước. Đại hội Đảng lần thứ X đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân tích cực phòng, chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, chống tiêu cực, lãng phí; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Để thực hiện lời Bác Hồ dặn trước lúc Người đi xa, thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu, làm đúng phận sự “nô bộc" của nhân dân. Các cấp lãnh đạo cần hết sức thận trọng mỗi khi có quyết định quan trọng. Mặt khác, mỗi người người dân, mỗi cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ để các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các công chức nhà nước thực hiện đúng chức năng được giao phó, đúng pháp luật.
“Mùa xuân nhớ Bác - tự sự của tác giả" bố cục gồm 3 phần:
Phần thứ nhất: Chuyện kể “Đêm trước đổi mới"
Phần thứ hai: Hành trình của bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác"
Phần thứ ba: Bài thơ vẫn còn nguyên giá trị
Kính mời quý bạn đọc tìm đọc cuốn sách “Mùa xuân nhớ Bác" - Tự sự của tác giả của tác giả Phạm Thị Xuân Khải được nhà xuất bản Thông Tấn phát hành năm 2006. Sách hiện có tại Thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Long Khánh. Xin giới thiệu đến quý bạn đọc./.