Ở nước ta, chuyển đổi số bắt đầu từ tầm nhìn của doanh nghiệp, chủ trương của chính phủ, trải nghiệm của người dân và đang bước vào giai đoạn tăng tốc. tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nước ta đặt mục tiêu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mớ. Đồng thời đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu.
Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam và đang diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành như: giao thông, du lịch, tài chính, nó mang lại những dịch vụ có ích và có thể tận dụng hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Tuy nhiên, cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Tác phẩm: Chuyển đổi số - Kinh nghiệm quốc tế và lộ trình cho Việt Nam
Nhằm góp phần cung cấp cho bạn đọc tổng quan các vấn đề về chuyển đổi số, kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số, thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam, từ đó đưa ra lộ trình chuyển đổi số cho Việt Nam trong thời đại số, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn chuyên khảo Chuyển đổi số - Kinh nghiệm quốc tế và lộ trình cho Việt Nam do PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, TS. Hà Huy Ngọc đồng chủ biên.
Cuốn sách gồm bảy chương:
Chương 1: Hệ thống cơ sở lý luận về chuyển đổi số.
Chương 2: Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số.
Chương 3: Phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số ở Việt Nam.
Chương 4: Phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Chương 5: Quá trình chuyển đổi sang xã hội số ở Việt Nam.
Chương 6: Quá trình chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam.
Chương 7: Khuyến nghị chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam.
Trên cơ sở trình bày cụ thể những vấn đề cơ bản của chuyển đổi số, các tác giả tập trung phân tích về thực trạng chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay để thấy được vị trí của Việt Nam so với các nước trên thế giới qua các trụ cột: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, nắm giữ vị thế tốt nhưng chưa đồng bộ để trở thành cường quốc số của thế giới. Để rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong công cuộc tiến hành chuyển đổi số quốc gia, trong cuốn sách, các tác giả nghiên cứu và phân tích mô hình chuyển đổi số của một số nước như Singapo, Thái Lan, Hàn Quốc, Đan Mạch và Israel; từ đó, đưa ra những khuyến nghị chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở cấp độ quốc gia và những khuyến nghị chính sách đối với các trụ cột của chuyển đổi số, hoàn thành những mục tiêu mà Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra.
Cuốn sách Chuyển đổi số - kinh nghiệm quốc tế và lộ trình cho Việt Nam dày 535 trang, do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành năm 2022. Sách hiện có tại Thư viện thuộc Trung tâm Văn hoá, Thông tin và thể thao thành phố. Mời quý độc giả tìm đọc.