Gia đình không chỉ là nơi duy trì nòi giống mà còn là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người, là nơi bảo tồn phát huy truyền thống văn hoá và tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Không có gia đình thì cũng không có xã hôị. Mặt khác, sự đầm ấm của mỗi gia đình sẽ là cội nguồn của đồng thuận xã hội. Bởi vậy, mà người xưa dạy “Nước là một cái nhà lớn, Nhà là một cái nước nhỏ". Điều đó, có thể suy rộng ra rằng, củng cố và nâng cao vai trò gia đình là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững xã hội.
Ngay từ lời nói đầu quyển sách “Đạo đức gia đình", tác giả Nguyễn Khắc Khoái cho biết, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã được hình thành, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dụng nước và giữ nước; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo đạo đức tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin...
Thanh thiếu niên là tương lai của Tổ quốc, hy vọng của dân tộc. Tăng cường giáo dục tư tưởng đạo đức cho thanh thiếu niên là công việc lớn liên quan đến mệnh vận đất nước. Vì vậy, nhà trường, gia đình và xã hội cần phải ra sức giáo dục cho thanh thiếu niên ý thức chăm chỉ học tập, tuân thủ kỷ luật, nhiệt tình lao động, biết lấy việc giúp người khác làm điều vui, gian khổ phấn đấu, dũng cảm đấu tranh với kẻ thù, kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo, bồi dưỡng cho thanh thiếu niên thành những nhân tài ưu tú trung với nước, hiếu với dân. Trung với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trung với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, để tương lai trong mọi cương vị công tác, trở thành người lao động có tinh thần trách nhiệm chính trị và tinh thần tập thể cao, có tư tưởng cách mạng kiên định và thực sự cầu thị, có tác phong công tác gần gũi nhân dân, tuân thủ kỷ luật chuyên tâm lo việc dân việc nước.
Bác Hồ đã khẳng định “đạo đức là gốc của người cách mạng". Với mỗi người, Bác ví đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân".
Theo đó, từ bài viết đầu tiên “Cuộc sống gia đình cần có đạo đức" được đăng tải cho đến bài viết cuối cùng “Khúc hòa tấu tình yêu trong cuộc sống gia đình" đã minh chứng cho người đọc thấy rằng, gia đình là tế bào của xã hội, đạo đức là gốc của giáo dục... Đạo đức gia đình được hình thành dần dần theo đà hình thành và phát triển của gia đình. Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, truyền thống đạo đức của dân tộc đã được phát triển và bổ sung thêm những giá trị mới. Đó là những phẩm chất đạo đức mới, tiến bộ được xã hội công nhận như: sự năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm vượt khó, quyết chí làm giàu, đoàn kết giúp nhau cùng phát triển, xây dựng đời sống văn hóa. Cũng từ những bài viết trong quyển sách này, người đọc còn được hiểu thêm về nguồn gốc gia đình, hay biết được hạnh phúc gia đình có từ đâu...
Trong cuốn sách “Đạo đức gia đình", tác giả mong muốn góp chút tâm huyết trong việc giáo dục đạo đức gia đình, đặc biệt là lớp thanh thiếu niên, không để họ sa đà vào các trò chơi bạo lực, phim ảnh đồi trụy và những trò chơi vô bổ khác. Mong muốn gia đình, trường học và xã hội phối hợp chặt chẽ để giáo dục lớp trẻ trở thành những công dân có đạo đức tốt, làm người có ích cho gia đình, cho xã hội.
Cuốn sách “Đạo đức gia đình" của tác giả Nguyễn Khắc Khoái được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2018. Sách hiện có tại Thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Long Khánh. Xin giới thiệu đến quý bạn đọc./.