Nhận được Công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình bệnh Dại và biện pháp phòng, chống; Thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết luận Hội nghị đánh giá tình hình dịch bệnh, thống nhất và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Dại. Chủ tịch UBND thành phố có ý kiến.
Tình hình dịch bệnh Dại diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ tháng 12/2022 đến nay trên địa bàn tỉnh phát hiện 03 ca Dại trên người trên địa bàn thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom và 05 ca bệnh Dại trên chó tại trên bàn của 04 huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, tiêu hủy 08 con chó, cho thấy mầm bệnh đã lây lan âm thầm diện rộng. Ý thức của người nuôi chó mèo trong việc chấp hành các quy định phòng chống bệnh chưa cao như không tiêm phòng vắc xin Dại; chó, mèo đa phần nuôi thả rông, vì vậy mầm bệnh Dại có thể đã lây lan từ khu vực này qua khu vực khác do hiện tượng cào, cắn giữa những chó, mèo thả rông làm phát tán mầm bệnh và nguy cơ gây bệnh cho người.

Công văn số 2179/UBND-NN ngày 22/8/2023 của UBND TP Long Khánh
V/v tăng cường các giải pháp phòng, chống bệnh Dại
Để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Dại trên chó, mèo. Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Phòng Kinh tế, Phòng Y tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y Long Khánh, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố và UBND các phường, xã triển khai một số nội dung: Tiếp tục triển khai các nội dung tại Kế hoạch số 815/KH-UBND ngày 26/5/2023 của UBND thành phố về phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố Long Khánh đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về bệnh Dại, các quy định phòng, chống bệnh Dại và công tác quản lý chó, mèo trên địa bàn thông qua nhiều hình thức (báo đài, hội nghị, họp tổ dân phố, tờ rơi, áp phích, xe lưu động, truyền thông học đường, mạng xã hội); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không tuân thủ các quy định về quản lý chó, mèo, khai báo dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin.
Tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là các khu vực có nguy cơ cao, để phát hiện, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan. Khi dịch bệnh xảy ra, triển khai nhanh chóng, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tiêm phòng bao vây ổ dịch. Đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Thú y trong công tác, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn thành phố. UBND các phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo cho chủ nuôi chó mèo về trách nhiệm tự tổ chức tiêm phòng hoặc đăng ký tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo với các tổ chức, cá nhân hành nghề khám, chữa bệnh chó, mèo theo quy định; vận động các cá nhân, tổ chức tình nguyện hỗ trợ tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo trên địa bàn quản lý; các quy định về xử lý vi phạm hành chính khi không thực hiện tiêm phòng cho chó, mèo. Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã khẩn trương triển khai thực hiện.