Từ đầu tháng 9 đến nay, trên địa bàn TP. Long Khánh xuất hiện nhiều người bị bệnh viêm kết mạc cấp hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ. Đặc biệt số ca mắc nhiều ở học sinh tiểu học và trẻ em dưới 6 tuổi. Tại các trường học trên địa bàn thành phố, trung bình mỗi ngày có hàng chục học sinh bị mắc bệnh và phải nghỉ học ở nhà để tránh lây lan dịch bệnh.
Bệnh nhân đau mắt đỏ tăng cao đột biến từ đầu tháng 9 đến nay
Ghi nhận tại bệnh viện ĐKKV Long Khánh, từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám mắt tăng cao đột biến, trong đó chủ yếu là bệnh nhân bị đau mắt đỏ với số lượng trên trên dưới 100 ca/ngày, bệnh nhân là học sinh và trẻ em dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ nhiều hơn người lớn. Hầu hết các ca đau mắt đỏ đều ở mức độ nhẹ được bác sỹ chỉ định điều trị ngoại trú, chưa có trường hợp nặng, biến chứng. Riêng trong ngày 18 tháng 9, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 260 bệnh nhân đau mắt đỏ ở TP.Long Khánh, trong đó hơn 80% là học sinh tiểu học và trẻ dưới 6 tuổi. Bác sỹ chuyên khoa 1 Nhãn khoa Phạm Thị Tường Vy- Phụ trách phòng khám mắt Bệnh viện ĐKKV Long Khánh cho biết thêm: “Hiện tại thì chưa có ca nào diễn biến nặng hay bị biến chứng. Bệnh đau mắt đỏ mặc dù là bệnh có triệu chứng cấp tính và rầm rộ nhưng là bệnh là lành tính. Tuy nhiên thì nó cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt học tập và làm việc cho nên là mọi người cần phải chú ý phòng bệnh cho tốt và khi mắc bệnh thì nên điều trị kịp thời."
Ghi nhận tại các trường học, ngay sau tuần đầu tiên học chính thức, nhiều trường học có tới vài chục học sinh bị đau mắt đỏ phải nghỉ học ở nhà để điều trị cũng như tránh lây lan sang các học sinh khác. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các trường học trên địa bàn TP.Long Khánh đã có nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh như tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các biện pháp phòng bệnh cho phụ huynh và học sinh. Đồng thời khuyến cáo phụ huynh cho con bị bệnh đau mắt đỏ nghỉ học ở nhà để tránh lây lan dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho các em. Với nhiều biện pháp kịp thời, đến nay số học sinh mắc mới giảm đáng kể so với 2 tuần trước.
Cô Lê Thị Phương Thủy – Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: “Khi học sinh bị bệnh như vậy thì chúng tôi sẽ cho nghỉ học ở nhà và cho xịt khuẩn tất cả các phòng học; giáo dục học sinh không được dụi tay lên mắt, nhỏ nước muối thường xuyên ngày 3 lần, không dùng chung các vật dụng cá nhân. Đối với học sinh bệnh phải nghỉ học thì yêu cầu giáo viên chủ nhiệm sẽ giao bài cho các em qua zalo hàng ngày và trực tiếp buổi tối để các thầy cô sẽ hỗ trợ giảng bài cho các em học qua google mic để các em không bị mất bài, phụ huynh cũng yên tâm."
Giáo viên trường Tiểu học Lê Văn Tám hướng dẫn học sinh
cách phòng tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ
Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Chiên – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết thêm: “Mặc dù tới lớp sau khi hết đau mắt nhưng nhà trường vẫn tiếp tục các biện pháp động viên các em ngồi nhóm riêng để tránh lây lan cho cac bạn khác; giáo viên nhà trường cũng quan tâm các em nhiều hơn, động viên các em tiếp tục thực hiện biện pháp để mình khỏi hẳn bệnh đồng thời tránh lây bệnh cho các bạn. Sau khi thực hiện thì kết quả rất khả quan, số học sinh bị bệnh đau mắt đỏ giảm rõ rệt."
Theo báo báo Trung tâm y tế thành phố Long Khánh, tính đến ngày 17-9 toàn thành phố ghi nhận hơn 1.500 trường hợp mắc đau mắt đỏ, trong đó gần 1.400 trường hợp ghi nhận tại các trường học. Bằng các biện pháp hiệu quả, kịp thời đến nay tình hình dịch bệnh đau mắt trong trường học cũng như ngoài cộng đồng đã được kiềm chế. Trong ngày 17-9, toàn thành phố chỉ ghi nhận 13 trường hợp mắc mới, giảm đáng kể so với vài ngày trước đó.
Tăng cường tuyên truyền học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân,
rửa tay thường xuyên và đúng cách
Các bác sĩ khuyến cáo: Khi có các triệu chứng của bệnh viêm kết mạc cấp cần đi khám và sử dụng thuốc kê đơn đúng theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý mua thuốc, hoặc dùng thuốc của người này điều trị cho người khác. Để phòng tránh lây nhiễm bệnh, cần cách ly với người bệnh đau mắt đỏ, thực hiện giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng, tránh tiếp xúc với dịch tiết và không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị bệnh.
Tuyệt đối không chữa mẹo, đắp lá thuốc vì có thể gây nhiễm trùng. Khi thấy bệnh có dấu hiệu trở nặng như đỏ cộm nhiều, đau nhức tăng, nhìn mờ… thì cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt uy tín để được thăm khám và xử lý biến chứng kịp thời.