Lễ hội Sayangva là một nét sinh hoạt văn hoá rất độc đáo của người Chơ-ro còn được bảo lưu. Lễ hội Sayangva còn gọi là cúng thần Lúa hay là Mừng lúa mới được tổ chức hàng năm từ 15 tháng 2 đến 15 tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất lại mang những nét độc đáo riêng – đề cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng của người dân tộc Chơ-ro.
Chiều ngày 27-4, người dân tộc Chơ-ro xã Bàu Trâm đã tưng bừng tổ chức Lễ hội Sayangva tại khu vực nhà ông Thổ Đực - ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm
Đại biểu lãnh đạo thành phố tham dự lễ hội
Tham gia Lễ hội có bà Đặng Minh Nguyệt - UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Long Khánh; ông Đỗ Chánh Quang – Phó bí thư Thành ủy – Chủ tịch UBND TP.Long Khánh; ông Lê Văn Thắng - Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; ông Phạm Văn Hoàng - Ủy viên BTV Thành ủy – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị thành phố; ông Nguyễn Trung Tín - Ủy viên BTV Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ VN thành phố; đại diện lãnh đạo Ủy ban kiểm tra Thành ủy; Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm VHTT&TT thành phố. Lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể xã Bàu Trâm cùng hàng trăm bà con đồng bào dân tộc Chơ-ro, người dân trong và ngoài địa bàn xã.
Tín ngưỡng Nguyên thuỷ của dân tộc Chơ-ro là thờ đa thần với quan niệm mọi vật đều có linh hồn. Một trong các thần được người Chơ-ro xem trọng nhất là thần lúa tức Yangva được cúng định kỳ hàng năm. Già làng và bà con mang các lễ vật như rượu cần, cơm lam, thịt heo, gà, vịt... tổ chức lễ tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ.
Người dân Chơ-Ro mang lễ vật cúng thần Lúa-Yangva
Ông Thổ Tòng Ngọc, người uy tín trong đồng bào dân tộc Chơ-ro ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm cho biết thêm: "Như hàng năm tới rằm tháng 2 âm lịch thì cộng đồng người Chơ ro sẽ tổ chức lễ hội này. Ý nghĩa của lễ là thờ thần Lúa. Cộng đồng dân tộc cùng nhau làm bánh ống, giã bánh dày, nướng thịt, món canh bồi, kèm theo đó là tiếng cồng chiêng của đồng bào."
Từ sáng sớm, hàng trăm người Chơ-ro đã tập trung tại nhà già làng, trong không khí rộn rã tiếng cười, những người đàn ông, đàn bà cùng nhau làm những món ăn truyền thống của người Chơ ro như: bánh dày, cơm lam, nấu canh bồi….
Dưới bếp thì tấp nập việc nấu nướng, còn ngoài sân, những thanh niên nam, nữ Chơ-ro nhiệt tình tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố… trong sự cổ vũ nồng nhiệt của mọi người. Đặc biệt, tiếng cồng chiêng vang lên giục giã để báo với thần linh, tổ tiên và cho cả dân làng trong ngày hội lớn.
Lễ hội Sayangva năm nay được tổ chức chu đáo hơn mọi năm. Các hoạt động vui chơi cũng như nghi thức cúng thần Lúa đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho những người tham gia lễ hội.
Ông Thổ Thân, người uy tín trong đồng bào dân tộc Chơ-ro ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm cho biết: "Từ xưa tới giờ đồng bào dân tộc Chơ-ro cứ đầu tháng 3 là tổ chức lễ hội Sayangva xuống mùa lúa mới, để cho mưa thuận gió hòa, đồng bào làm lễ hội Sayangva. Hồi xưa thì làm rất đơn giản mà bây giờ làm quy mô hơn. Tổ chức như thế này cũng là mong muốn của những người lớn tuổi truyền lại các con cháu để lớp trẻ hiểu được để sau này gìn giữ truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Chơ-ro."
Thanh niên Chơ-Ro tham gia các trò chơi dân gian
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng thành phố, Lễ hội Sayangva năm nay được mở rộng hơn trong cộng đồng và thu hút nhiều người dân trong và ngoài địa bàn xã tham gia. Điều này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng, tạo không khí vui tươi phấn khởi gắn kết trong các tầng lớp nhân dân; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Ðồng thời, khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số cùng chung sức xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bà Lương Thị Như Nga, Phó Phòng Dân tộc TP. Long Khánh cho biết thêm: "Lễ hội tạo không khí linh thiêng của phần lễ. Qua đó phần hội với nhiều hoạt động cũng đã giúp cho đồng bào có được thể lực, cũng như chuẩn bị tham gia ngày hội văn hóa thể thao dân tộc thiểu số của tỉnh Đồng Nai sắp tới."
Những năm qua, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp. Thành phố tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ vùng đồng bào các dân tộc về cả vật chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Việc duy trì, tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống.