Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên là một trong những nội dung lớn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong Bản Di chúc lịch sử.
Thực hiện di huấn của Người, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo, bồi dưỡng và đặt niềm tin vào thanh niên. Các thế hệ thanh niên Việt Nam cũng đã tiếp nối truyền thống, không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực học tập, lao động và cống hiến; luôn phát huy vai trò xung kích, tình nguyện trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ tại phòng làm việc nhà 54, tháng 4/1957. (Ảnh: Tư liệu do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp) "BỒI DƯỠNG THẾ HỆ CÁCH MẠNG CHO ĐỜI SAU LÀ MỘT VIỆC RẤT QUAN TRỌNG VÀ RẤT CẦN THIẾT" Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã sáng lập, tổ chức và rèn luyện Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, từ trước khi thành lập Đảng cho đến lúc đặt bút viết bản Di chúc lịch sử, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các thế hệ thanh niên Việt Nam. - Bác luôn yêu thương, tin tưởng và đánh giá đúng vai trò của đoàn viên thanh niên Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sớm nhận thức đúng vị trí vai trò của đoàn viên thanh niên trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Ngay trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản năm 1925, Người đã viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại. Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh” (1). Người chỉ ra rằng: Thanh niên là bộ phận trẻ, khỏe, dám nghĩ, dám làm, giàu ý chí, nghị lực và ước mơ; “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai… Thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội… Thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ…” (2). Tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 năm ngày thành lập Đoàn (3/1966), Người tin tưởng: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, Bác rất tự hào, sung sướng và thấy mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”. (3) Không chỉ chỉ ra khả năng cách mạng to lớn của tuổi trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra tiềm năng to lớn của họ trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước nhà. Đó là, “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” (4) và “Non sông Việt Nam có trở lên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. (5) Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khen ngợi: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ” (6). Lịch sử đã chứng minh, trong mọi giai đoạn cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo và rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, các thế hệ đoàn viên thanh niên Việt Nam đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào những chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Nhiều phong trào thanh niên đã trở thành niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam như: “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba xung kích”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”... - Quan tâm, giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện vai trò, vị trí và khả năng cách mạng của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi, đánh thức, giác ngộ và cổ vũ thanh niên tham gia cách mạng; đào tạo, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để họ được học tập, lao động, cống hiến… Để đưa thế hệ trẻ đến với cách mạng, ngay từ năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên; ra báo Thanh niên; mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng và của phong trào cách mạng cả nước. Tháng 7/1926, Người gửi thư cho Ủy ban Trung ương thiếu nhi Liên Xô và đại diện đoàn Thanh niên cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên cộng sản đề nghị giúp đỡ, gửi một số thiếu niên Việt Nam ở Quảng Châu sang Liên Xô học tập, “để trở thành những chiến sĩ Lêninnít tí hon chân chính”, làm hạt nhân cho Đoàn Thanh niên cộng sản sau này. Đặc biệt, sau khi Đảng ra đời, vấn đề bồi dưỡng lực lượng thanh niên đã được Đảng đặc biệt quan tâm. Trên cương vị là lãnh tụ của dân tộc, Bác thường xuyên dành cho đoàn viên, thanh niên những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng thì thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc...” (7). Và “Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa…”. (8) Bác còn nhấn mạnh: “… Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?” (9); “Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ thì phải học tập” (10). Trước lúc đi xa, Bác không quên dặn Đảng ta về việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Bác khẳng định: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (11). Bác chỉ rõ “Đảng cần phải chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. (12) PHÁT HUY TINH THẦN THANH NIÊN XUNG KÍCH, XỨNG ĐÁNG VỚI LỜI DẶN CỦA NGƯỜI Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 55 năm qua, Đảng ta luôn xác định thanh niên là người chủ của đất nước, là đội quân xung kích cách mạng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xuất phát từ quan điểm đó, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đối với thanh niên thông qua việc tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa; tạo cơ hội cho mọi thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, tri thức và kỹ năng. Đồng thời, xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, hạt nhân chính trị của phong trào và các tổ chức thanh niên Việt Nam. Qua đó, đã hình thành một thế hệ thanh niên Việt Nam có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy và hành động, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, tiếp nối được truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc. Đại đa số thanh niên đều nỗ lực học tập, lao động để trau dồi, nâng cao tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sống và làm việc trong bối cảnh toàn cầu hóa; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào: “Thanh niên tình nguyện”, “Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh”, “Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an ninh”, “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hóa, thể thao”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”… Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc... Thực tiễn đòi hỏi Đảng và cả hệ thống chính trị nhận thức đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, tăng cường chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu: “cần tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ, để thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước ta thực sự “vừa hồng vừa chuyên”, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu”. (13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ: “Xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học - công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Có thể thấy, đến nay, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau vẫn có giá trị to lớn, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân ta trong công tác thanh niên. Những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo, dìu dắt của Bác dành cho đoàn viên, thanh niên luôn là nguồn động lực, cổ vũ, khích lệ tuổi trẻ cả nước vươn lên và cống hiến, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu, đẹp../. _______________________________________ (1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.144 (2), (8): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 13, tr.298, 299 (3): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 15, tr.79 (4): Thư gửi các bạn thanh niên - Sđd, tập 5, tr.216 (5): Thư gửi các học sinh - Sđd, tập 4, tr.35 (6), (11), (12): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622 (7), (10): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 9, tr.178 (9): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 9, tr.265 (13): Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, ngày 15/12/2022 BCĐ 35 |