Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
AN TOÀN GIAO THÔNG LÀ HẠNH PHÚC CỦA MỌI NHÀ
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ, TINH, GỌN, MẠNH, TIẾN LÊN HIỆN ĐẠI
Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM: NÂNG TẦM NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI
Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
Tết Trung thu lưu truyền giá trị nhân văn

459901479_1596701664587540_7265009299607280210_n.jpg

Từ Tết của người lớn, chuyển thành Tết của trẻ em, đó là giá trị nhân văn lớn nhất của Tết Trung thu hằng năm ở Việt Nam.

Trung thu là giữa mùa thu, khi những ngày nóng bức cuối cùng của mùa hè, những cơn mưa ngâu xối xả của tháng đầu thu (tháng Bảy) vừa qua đi, trời chuyển sang khô ráo, mát mẻ với nắng vàng, gió heo may; đặc biệt là trời rất trong và xanh, vầng trăng vào dịp này như sáng hơn, tròn hơn. Đây cũng là thời gian nhà nông bước vào điểm “nông nhàn” nhất: Lúa đã qua giai đoạn làm đòng, bắt đầu kết hạt; ở những vùng trung du có lúa “ba giăng” đã chín. Đây cũng là thời điểm các loại hoa quả (bưởi, na, chuối, hồng...) chín rộ. Các yếu tố trên hội tụ với nhau là duyên cớ để con người bày ra Tết Trung thu, để ngắm trăng, ngâm thơ, tâm tình, cùng thưởng thức hoa quả, bánh trái tự làm.

Đối với các vùng đồng chiêm, Tết này càng có ý nghĩa, vì theo quan niệm, niềm tin của người xưa, thời tiết, nhất là độ sáng của ánh trăng vào dịp này, đặc biệt trăng đêm rằm có quan hệ với sự được-thua của vụ Chiêm - vụ sản xuất chính năm sau của cư dân các vùng trũng thấp, chỉ cấy được một vụ lúa này. Bởi thế, dân gian có câu: "Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng Rằm tháng Tám".

Như vậy, về nguồn gốc và bản chất, Tết Trung thu gắn với thời điểm nông nhàn nhất của cư dân nông nghiệp, như người Việt và nhiều tộc người khác trên đất Việt Nam, ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á, với tiết trời đẹp nhất trong năm. Vốn là Tết của người lớn, song, về sau, chưa rõ từ bao giờ, người lớn đã dành Tết này cho trẻ em, quan tâm, chia sẻ, tặng quà cho trẻ em; giống như Tết "Xíp xí" của người Thái, với hàm nghĩa dành những gì tốt nhất, đẹp nhất cho con em, đấy là giá trị nhân văn của Tết Trung thu.

Tết của những giá trị giáo dục

Cho đến gần cuối thập niên 1980, làng quê Việt Nam đâu cũng nghèo, đa số các gia đình cơm ăn còn chưa đủ, huống chi là các loại bánh trái mang tính đặc trưng của Tết Trung thu. Bây giờ, bánh nướng, bánh dẻo loại cao cấp, đắt tiền không lạ gì với trẻ, nhưng hồi trước, các bánh ấy dù thuộc loại thường cũng chỉ những gia đình thuộc diện khá giả mới mua. Các loại đèn ông sao giấy bóng kính bán ở ngoài chợ thì không phải nhà nào cũng sắm được nên các bậc cha mẹ đã hướng trẻ vào những giá trị bình dị, thực có của gia đình mình, làng quê mình. Đó là, tận dụng các loại hoa quả mang đặc trưng của mùa thu, như bưởi, hồng, na, chuối... có trong vườn nhà hoặc mua trong xóm, hạn chế mua sắm ngoài chợ. Mục đích là ngoài việc để cho trẻ nhỏ bày cỗ, thưởng thức, nhưng cái chính là để trẻ nhận biết được giá trị của công sức để trồng ra các loại hoa quả đó, để trẻ biết yêu lao động, yêu hoa trái. Các loại hoa quả này được bày cỗ dưới ánh trăng rằm để trẻ biết yêu và sống hòa đồng với thiên nhiên hơn.

Với các loại đèn của Tết Trung thu mà đại diện tiêu biểu nhất là đèn ông sao, các gia đình không có tiền mua đã hướng dẫn trẻ tự làm: Lấy tre, nứa trong nhà vót thành khung, tự làm hồ dán bằng cơm, rồi ra chợ mua một ít giấy bản loại mỏng, vừa túi tiền, về làm thành chiếc đèn thô mộc; còn nến cũng tự làm lấy bằng những hạt bưởi (bóc vỏ ngoài) phơi khô, xâu vào cái tăm cứng rồi đốt; hoặc cho một ít dầu hỏa vào lọ penicillin, làm bấc như đèn dầu; rồi háo hức và “hãnh diện” mang đèn đi rước trên đường làng cùng chúng bạn. Khá nhiều gia đình dù có tiền mua đèn nhưng vẫn hướng dẫn trẻ làm, hoặc trẻ bắt chước bạn bè cùng trang lứa làm. Điều này không chỉ tạo nên cảnh nhộn nhịp trước ngày Tết Trung thu mà còn giáo dục cho trẻ tính tự lập, yêu lao động, tự sáng tạo, bền bỉ, ý thức tiết kiệm trong cuộc sống.

Có một loại quà, một thứ đồ chơi dịp Tết Trung thu mang nhiều giá trị tinh thần, mang ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc mà tuyệt đại đa số các gia đình xưa kia, dù nghèo khó đến mấy cũng mua cho trẻ. Đó là ông tiến sĩ (hay ông nghè) bằng giấy. Mục đích là để khích lệ tinh thần ham học, khuyên nhủ trẻ chăm chỉ dùi mài đèn sách, học giỏi, thi đỗ để trở thành ông tiến sĩ (ông nghè), ông cống, không chỉ đem lại sự đổi đời cho bản thân, sự vinh quang cho gia đình, họ mạc, làng quê mà còn trở thành nhân tài, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Các đồ chơi dân gian ngày Tết Trung thu được trao truyền từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong mỗi gia đình, làng quê và một số làng nghề, tạo nên những giá trị văn hóa mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, có sức sống bền bỉ.

Các hoạt động của Tết Trung thu rộ lên từ trước mồng 10 tháng Tám, kết thúc vào ngày rằm. Mỗi buổi chiều, trên cánh đồng làng, những cánh diều đủ kiểu, loại của các tốp trẻ chao liệng trên bầu trời xanh, xen lẫn là những cánh diều khổ lớn của người lớn, tiếng sáo vi vút, tạo nên cảnh thơ mộng của làng quê. Các buổi tối, làng quê như sáng hơn với ánh sáng từ đèn ông sao, rộn hơn với tiếng trống ếch khắp nẻo đường làng. Đặc biệt, từ sân đình, sân chùa, khoảng sân trước cổng làng, cổng xóm vang lên những bài hát đồng dao ca ngợi quê hương, đất nước, công việc nhà nông...

Có thể nói, Tết Trung thu xưa giản dị, có phần đạm bạc nhưng rất vui và có ý nghĩa vì giáo dục trẻ em ý thức tiết kiệm, tính tự lập, hướng vào các giá trị nội sinh. Lòng người hướng về cái Tết trong sáng như ánh trăng đêm rằm, không bon chen, vụ lợi mà đa phần trẻ em ngày nay không thể cảm nhận được.

Trách nhiệm của chúng ta hôm nay

Từ thập niên 1990 trở đi, mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động mạnh đến Tết Trung thu. Phần lớn các đồ chơi truyền thống vắng bóng, thay vào đó là các đồ chơi điện tử ngoại nhập, có cả đồ chơi bạo lực ngập tràn. Những cánh diều bay trong không trung, cảnh trẻ nô đùa với các trò chơi, các bài đồng dao vắng bóng dần, vì nhiều nguyên nhân, như trẻ bận đi học, làng quê trong quá trình đô thị hóa nên cũng ít không gian chơi cho trẻ... Đời sống vật chất được nâng lên, nhưng cái hồn của Tết Trung thu thì nhạt phai rất nhiều.

Đã có nhiều ý kiến từ nhiều năm nay về vấn đề làm sao để Tết Trung thu trở lại với những ý nghĩa, hay cái hồn của ngày xưa. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến một giải pháp tổng thể, đồng bộ, của nhiều ngành, trong đó, giáo dục và văn hóa giữ vai trò then chốt.

Trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu những “khoảng trống” của Tết Trung thu còn đang luận bàn, nổi bật là vấn đề nguồn gốc và những yếu tố thuần Việt của Tết. Công tác tuyên truyền về những giá trị Việt của Tết Trung thu cần phải tiến hành sớm vào dịp này, không chờ đến sát ngày Tết Trung thu và phải bằng nhiều hình thức, đa dạng hơn để các bậc cha mẹ hiểu đúng, định hướng con em có thể ứng xử đúng với phong tục truyền thống của cha ông ta.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trẻ em ngày nay xa rời các đồ chơi dân gian - thành tố quan trọng hàng đầu của Tết Trung thu là các đồ chơi đó không còn sức hút với trẻ. Bởi vậy, phải có giải pháp giữ được các đồ chơi dân gian như tò he, mặt nạ, các loại đèn, ông phỗng... sống được trong các lớp tuổi của trẻ nhỏ (điều này đương nhiên liên quan đến giải pháp kiểm soát việc nhập đồ chơi nước ngoài vào Việt Nam).

Các bậc cha mẹ cần định hướng cho con em ý nghĩa của đồ chơi Trung thu Việt Nam và hướng trẻ vào các đồ chơi mang hồn cốt dân tộc. Đặc biệt, điều căn bản nhất là các nhà văn hóa học, dân tộc học, các nhà thiết kế đồ chơi cần nghiên cứu để cải biến các đồ chơi dân gian truyền thống, tạo ra những đồ chơi mới, vẫn dựa trên nguyên liệu, cách làm truyền thống, nhưng có chủ đề mới, để thu hút sở thích của trẻ nhỏ (như làm mặt nạ giấy bồi, tạo thêm những nhân vật mới, gắn với các chủ đề, các nhân vật mang ý nghĩa lịch sử-văn hóa, hoặc các nhân vật hiện đại (có thể là cả nhân vật người nước ngoài đang được lớp trẻ quan tâm). Từ đó có thể sản xuất hàng loạt, hay tạo ra một thành tố của công nghiệp văn hóa từ các đồ chơi dân gian Việt Nam. Ở đây cần có những đề tài nghiên cứu với nguồn kinh phí Nhà nước, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với các nhà khoa học, nhà thiết kế, các nghệ nhân làng nghề...

Tết Trung thu là một trong những nét văn hóa truyền thống được hình thành qua hàng nghìn năm, nó có những hạt nhân hợp lý nên có sức sống lâu bền, được trao truyền qua các thế hệ. Nhưng giờ đây, hoạt động truyền thống này đang bị những tác động mạnh của xã hội hiện đại; trong khi cách ứng phó của chúng ta chưa kịp thời, không đồng bộ. Làm cho Tết Trung thu giữ được các hồn cốt của truyền thống là trách nhiệm của người lớn, của các ngành, các cấp hiện nay.

PGS, TS BÙI XUÂN ĐÍNH

Hsv

BCĐ 35

Bản đồ hành chính

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá Giao diện - Thông tin cập nhật trên Trang thông tin điện tử Thành phố Long Khánh

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ LONG KHÁNH

Cơ quan chủ quản: THÀNH ỦY-UBND THÀNH PHỐ LONG KHÁNH
Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh.
Địa chỉ: Cách Mạng Tháng Tám, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Email: longkhanhradio@gmail.com​

Số điện thoại: 02513.877.172 - 02513.877.124​