Những năm qua, nông dân ở ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh nhờ có điện mà đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Điển hình như nông dân Lâm Chính Lộc, dân tộc Hoa đã mạnh dạn chuyển đổi 4 hécta vườn tạp sang sầu riêng Thái Lan, Ri 6, Monthong. Đến nay, ông đã thành công và trở thành người có thu nhập tiền tỷ của vùng Đồi Rìu.
Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàng Gòn, chúng tôi đến tham quan vườn sầu riêng 4 hecta của nông dân Lâm Chính Lộc dân tộc Hoa. Ông cho biết trước đây, khu vườn của gia đình ông trồng cà phê, tiêu và điều. Tuy nhiên, các loại cây này thường xuyên bị sâu bệnh gây hại và không đủ nước tưới nên năng suất không cao. Đến năm 2016, nhờ có điện ông đã khoan giếng và quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng sâu riêng. Để việc chăm sóc được thuận tiện và dễ dàng, lắp đặt hệ thống tưới tự động, việc chăm sóc cây trồng cũng hoàn toàn ứng dụng công nghệ cao.
Ông Lâm Chính Lộc tỉa cành vườn sầu riêng
Ông Lâm Chính Lộc, ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn chia sẻ: “Lúc trước điện nước không có chỉ trồng cây điều thôi, sau này nhà nước hỗ trợ có đường điện nên mới khoan giếng rồi chuyển sang trồng sầu riêng. Lúc đầu trồng sầu riêng cũng khó khăn, kinh nghiệm làm không có cũng nhờ xã hỗ trợ mở các lớp tập huấn nên mình mới có kỹ thuật làm và có kinh nghiệm như ngày hôm nay".
Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi những nông dân có kinh nghiệm trồng sầu riêng và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã, thành phố Long Khánh tổ chức, nên vườn sầu riêng của gia đình ông Lộc luôn phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao.
Năm 2014, ông Lộc được địa phương bầu chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã và sau đó là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, với thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm từ 4 hécta sầu riêng.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàng Gòn cho biết: “Trước đây khu vực ấp Đồi Rìu người dân chủ yếu trồng các loại cây điều, tiêu, cà phê từ khi xây dựng NTM được nhà nước đầu tư điện, đường nên nhiều hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây không có năng xuất sang cây có năng xuất cao. Như hộ ông Lâm Chính Lộc, trước đây với diện tích 4ha của gia đình anh trồng điều, cà phê, bơ sau khi có điện, nước gia đình chuyển đổi sang trồng sầu riêng đến nay đã cho thu hoạch. Sau khi trừ hết chi phí, còn lại thu nhập khoảng hơn 3 tỷ/năm, giúp tăng thu nhập ổn định cuộc sống cho gia đình. Ngoài ra anh còn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ xung quanh và giúp đỡ các hộ khó khăn trên địa bàn".
Hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng đã mang lại như một luồng gió mới, thay đổi nhận thức rõ rệt của người dân trong ấp. Không chỉ riêng gia đình ông Lộc, mà nhiều hộ dân khác trong xã cũng bắt đầu chuyển đổi những loại cây kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Qua đó, nhiều người dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Lộc cắt chồi sầu riêng để cho ra bông
Ấp Đồi Rìu có khoảng 470 hộ dân, gồm đồng bào dân tộc Hoa và người Kinh sinh sống. Trước kia, ấp Đồi Rìu được xem là địa bàn nghèo, khó khăn nhất xã Hàng Gòn. Nhờ sự quan tâm đầu tư của thành phố Long Khánh, tỉnh và chính quyền địa phương về đường, điện, vốn, khoa học kỹ thuật trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là sự nhạy bén, bắt nhịp kịp xu thế của nhà nông nên vùng đất Đồi Rìu giờ bạt ngàn sầu riêng, với trên 200 hécta và có 450/470 hộ khá, giàu.
Những kết quả bước đầu đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hàng Gòn là rất đáng khích lệ, khẳng định chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khai thác, tận dụng tốt tiềm năng thế mạnh, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo tiền đề để địa phương giữ vững nông thôn mới kiễu mẫu trên địa bàn.