Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Việt Nam cũng là đất nước có lễ hội quanh năm, nhất là vào mùa xuân. Mỗi vùng thường có lễ hội riêng, quan trọng nhất là các lễ hội nông nghiệp, lễ hội nghề nghiệp. Ngoài ra các lễ hội kỷ niệm các bậc anh hùng có công với nước, các lễ hội tôn giáo và văn hóa. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Chính những nét đó làm nên cốt cách, hình hài và bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội là vùng văn hóa rất đặc trưng. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới đối tượng thiêng liêng, là hình ảnh hội tụ mhững phẩm chất cao đẹp nhật của con người, giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui. Lễ hội cũng là sự tổng hợp và khái quát cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã hội của từng giai đoạn lịch sử; là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa của mọi người dân; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi đua tài, giải trí. Lễ hội đã và đang trở thành nhu cầu văn hóa của các tầng lớp nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nhân văn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thiết thực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và trên cả nước.
Tác phẩm: Tổ chức giải thi đấu thể thao trong các lễ hội ở địa phương
Lễ hội có 2 phần, phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ mang ý nghĩa cầu xin và tạ ơn; phần Hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng gồm nhiều trò chơi, cuộc thi dân gian, các môn thể thao dân tộc mang tính hấp dẫn, có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì, bảo tồn nền văn hóa truyền thống dân tộc, gắn kết cộng đồng, thúc đẩy phong trào thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe.
Để việc tổ chức lễ hội đi vào nề nếp, có tác dụng và hiệu quả và đúng ý nghĩa, đưa các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc vào hoạt động lễ hội. Tác giả đã tổng hợp, khái quát lại về ý nghĩa, tình hình tổ chức lễ hội ở các địa phương và sưu tầm một số trò chơi dân gian truyền thống, các môn thể thao dân tộc, quần chúng... Thông qua việc tổ chức các hoạt động thể thao trong lễ hội làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, góp phần đẩy lùi các tiêu cực xã hội, khôi phục và phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, phát triển phong trào thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Sách do hai tác giả TS. Hoàng Công Dân và TS. Nguyễn Ngọc Kim Anh biên soạn; Nhà xuất bản Thể dục Thể thao phát hành vào năm 2018, hiện có tại Thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!