Từ năm 1992, ngày 10/10 hằng năm được Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần thế giới lựa chọn là Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (World Mental Health Day), nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần.
Năm 2024, chủ đề được chọn để phát động là “Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc". Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe tâm thần của người lao động, mối quan hệ giữa sức khỏe tâm thần và công việc, mục tiêu để người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức quan tâm ưu tiên chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần cho người lao động tại nơi làm việc.
Môi trường làm việc có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần của con người, một môi trường an toàn, lành mạnh đóng vai trò là yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần. Ngược lại, môi trường làm việc không lành mạnh như bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị quấy rối hay điều kiện làm việc tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống nói chung và năng suất làm việc.
Nguồn ảnh: Infographic
Để bảo vệ và thúc đẩy chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, WHO khuyến nghị:
+ Đào tạo cho quản lý về sức khỏe tâm thần, giúp các nhà quản lý nhận biết và kịp thời hỗ trợ những người đang gặp khó khăn cảm xúc; phát triển các kỹ năng giao tiếp như: giao tiếp cởi mở và lắng nghe tích cực; tăng cường hiểu biết về cách các yếu tố gây căng thẳng trong công việc, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và cách quản lý chúng.
+ Đào tạo người lao động về kiến thức và nhận thức về sức khỏe tâm thần, để nâng cao hiểu biết và giảm kỳ thị đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.
+ Các can thiệp cá nhân nhằm giúp người lao động phát triển kỹ năng quản lý căng thẳng và giảm các triệu chứng sức khỏe tâm thần, bao gồm: can thiệp tâm lý xã hội và các hoạt động thể chất giải trí.
Nguồn: TTXVN