Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2024
THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM: NÂNG TẦM NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 -07/5/2024)
Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, quyết tâm xây dựng thành phố Long Khánh thành đô thị loại II trước năm 2025.

Kỷ niệm 49 năm chiến dịch Xuân Lộc giải phóng Long Khánh (21/4/1975 - 21/4/2024) năm nay, mỗi địa phương (xã, phường), các ngành, tổ chức tuyên truyền, cổ động, để nhắc nhớ mọi người hướng về ngày lễ kỷ niệm lịch sử này. Mỗi người dân Long Khánh đều có niềm tự hào riêng để kỷ niệm về ngày chiến thắng 21/4 trong tâm khảm của bản thân mình.

*Trang lịch sử vẻ vang…

Cách đây 49 năm, “Cánh cửa thép” của địch ở phía Đông Bắc Sài Gòn bị đập tan, Long Khánh hoàn toàn được giải phóng, mở đường cho Đại quân ta tiến về Sài Gòn làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Long Khánh đã lập nhiều chiến công hiển hách, đặc biệt là chiến dịch 12 ngày đêm giải phóng Long Khánh (từ ngày 9/4/1975 đến 21/4/1975) đã đập tan “Cánh cửa thép” tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở phía Đông Bắc Sài Gòn, góp phần giành thắng lợi quyết định của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Long Khánh đã đi vào lịch sử kháng chiến vẻ vang của dân tộc nói chung và mãi mãi rạng danh quê hương Long Khánh anh hùng.

439159151_1021876479387486_2395139893692322477_n.jpg
Công viên Tượng đài Chiến thắng thành phố Long Khánh

Ông Phạm Quốc Thân (nguyên chiến sỹ Sư đoàn 341, Quân đoàn 4) bồi hồi nhớ lại: “Ngày 9/4/1975, tất cả các đơn vị nhận được lệnh tiến vào giải phóng Xuân Lộc-Long Khánh. Lúc này cùng với Nhân dân, các đơn vị bộ đội đánh đến đâu giải phóng đến đó, khí thế tiến công như một cơn lốc. Các đơn vị bộ đội chủ lực tiến vào Xuân Lộc, Long Khánh, đi đến đâu cũng được bà con chào đón, tiếp tế lương thực, thực phẩm.”

Ông Trần Văn Phú (nguyên chiến sỹ Đội Công binh xưởng quân giới Thị đội Long Khánh) nhớ lại: “Sáng 9/4/1975, bộ đội chủ lực bắt đầu nổ súng đồng loạt tấn công từ các mũi vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc. Lúc bấy giờ, các đơn vị bộ đội địa phương cũng tiến lên, đánh từ trong đánh ra; người dân vùng lên, hỗ trợ, tiếp tế cho lực lượng bộ đội, đánh đến đâu tiếp quản đến đó. Với khí thế tiến công ào ào như thác đổ, các mũi tấn công của quân ta đã làm chủ được trận địa. Tại địa phương, các đơn vị bộ đội cùng với bà con đánh từ trong đánh ra, khiến sỹ quan, binh lính nguỵ quân tháo chạy tán loạn, tìm đường thoát thân.”

Với thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc - giải phóng Long Khánh, Đảng bộ và quân dân Long Khánh cùng với bộ đội chủ lực đã ghi điểm son chói lọi vào trang sử hào hùng Đại thắng mùa Xuân 1975 của cả dân tộc.

Dù 49 năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần nhìn lại tính chất và quy mô của chiến dịch mùa Xuân năm 1975, chúng ta càng thấy tự hào về tầm vóc và ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc - giải phóng Long Khánh từ ngày 09/4/1975 đến ngày 21/4/1975. “Với vị trí chiến lược của Xuân Lộc-Long Khánh, quân địch xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Đối với quân ta, xác định muốn giải phóng Sài Gòn thì phải giải phóng Xuân Lộc-Long Khánh. Chính vì vậy, chiến trường Xuân Lộc-Long Khánh trở thành chiến trường vô cùng ác liệt, địch sử dụng một lượng lớn vũ khí hiện đại và chống trả quyết liệt.” Ông Phạm Quốc Thân chia sẻ.

Chiến thắng Long Khánh là sự thể hiện cao độ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc ta, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự trong cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công của lực lượng vũ trang, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và quần chúng Nhân dân Long Khánh. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chiến dịch Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh, đã tạo ra thế trận mới có ý nghĩa chiến lược, đã đập tan “cánh cửa thép” của Ngụy ở phía Đông Bắc Sài Gòn, tạo điều kiện rất quan trọng cho các lực lượng của ta tiến về Sài Gòn, góp phần vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 8 giờ 00 sáng ngày 21/4/1975, sẽ mãi mãi là thời khắc lịch sử vẻ vang nhất của Đảng bộ và quân, dân Long Khánh anh hùng.

Ghi nhận những chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước quân dân Long Khánh nói chung và chiến thắng của chiến dịch Xuân Lộc - giải phóng Long Khánh 12 ngày đêm nói riêng, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã Long Khánh; Đội biệt động thị xã Long Khánh; Đội trinh sát vũ trang thị xã Long Khánh; Đội Công binh xưởng Quân giới Long Khánh; Nhân dân và lực lượng vũ trang thị trấn Xuân Lộc (nay gồm 6 phường và xã Bàu Trâm), các phường Xuân Lập, Xuân Tân, Bảo Vinh và xã Bình Lộc; công nhân và lực lượng tự vệ các đồn điền cao su An Lộc, Bình Lộc; đội du kích xã Bảo Vinh, Bình Lộc; các anh hùng liệt sĩ Lê A, nữ anh hùng liệt sĩ Hồ Thị Hương và 131 Mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là những tấm gương tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh trên quê hương Long Khánh thân yêu.

438223177_1021876366054164_4346358585805171343_n.jpg
Công viên Bia Chiến thắng thành phố Long Khánh

*Phát huy truyền thống quê hương anh hùng…

49 năm đã đi qua, là một chặng đường đánh dấu những thay đổi hết sức to lớn sâu sắc trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, đời sống tinh thần của Đảng bộ và quân, dân quê hương Long Khánh.

Những năm đầu sau giải phóng là sự nỗ lực khắc phục khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định sản xuất, cải thiện cuộc sống của nhân dân, Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng chưa năm nào Long Khánh phải thiếu thuế Nhà nước, năm 1980 Long Khánh (Xuân Lộc lúc đó) là 1 trong 200 huyện đi đầu trong cả nước về thu nộp ngân sách được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng 2; sau đó đến năm 1982, Long Khánh lại là 1 trong 400 đơn vị cấp huyện được Ban Bí thư Trung ương tặng cờ thi đua xuất sắc.

Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, đặc biệt là từ tháng 1/2004 khi thị xã Long Khánh được thành lập theo Nghị định 97 ngày 21/8/2003 của Chính phủ. Long Khánh đã có sự chuyển mình và đổi thay, luôn phấn đấu xây dựng và phát triển để xứng đáng với truyền thống của quê hương anh hùng; vốn đã kiên cường, bất khuất trong chiến đấu, nay luôn hăng hái trong lao động sản xuất; sáng tạo, tích cực trong xây dựng phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu cuộc sống cho Nhân dân.

Với nhiều kết quả đạt được trên các lĩnh vực, năm 2014 thị xã Long Khánh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Rồi đến cuối năm 2015, Long Khánh được Bộ Xây dựng đã quyết định công nhận đạt chuẩn đô thị loại III; được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. 49 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Long Khánh bây giờ đã là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai, từ ngày 01/6/2019 theo Nghị quyết 673-NQ/UBTVQH14 ngày 10/4/2019 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.

439070039_1021876559387478_240025121783973409_n.jpg
Hướng vào thành phố Long Khánh nhìn từ trên cao

*Thành phố Long Khánh Xanh - Văn minh – An toàn - Hiện đại: Long Khánh, thành phố trẻ. Tuy là thành phố, nhưng nhìn dáng vẻ bề ngoài, Long Khánh vẫn luôn mang trên mình một nét riêng độc đáo: một đô thị sầm uất, thênh thang nhưng lắng đọng đến trầm mặc; những công trình sừng sững, uy nghi nhưng rất đượm chất quê; một thị tứ khang trang, giao thương tấp nập nhưng không ồn ào náo nhiệt, vẫn luôn mang trong mình nét đậm đà của tình người Long Khánh. Chắc chắn khi khoác trên mình chiếc áo khang trang, bề thế, của một thành phố, Long Khánh vẫn giữ những mảng xanh của những vườn cây trái quanh năm quả ngọt, luôn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc đó là vẫn duy trì những lễ hội truyền thống, tô điểm thêm cho văn hóa tuyền thống Long Khánh ngày càng tiên tiến nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, đó là “thành phố của cây xanh, trái ngọt và của Lễ hội”. Chính đó, sẽ đóng góp tích cực vào xây dựng hình ảnh văn hóa con người Đồng Nai năng động, thân thiện, hội nhập và phát triển, xứng tầm với đất và người Long Khánh giàu lòng quả cảm.

Hành động đầu tiên của những công dân thành phố là ra quân dọn vệ sinh đường phố, được duy trì vào ngày thứ Bảy hàng tháng đã trở thành “Ngày thứ Bảy vì cộng đồng” với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo thành phố, đông đảo cán bộ công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân cùng tham gia. Trên khắp các ngã đường từ trung tâm thành phố đến các xã, phường các lực lượng trong xã hội không kể thành phần, nghề nghiệp, độ tuổi đều nô nức xuống đường dọn dẹp vệ sinh đường phố nơi mình đang sinh sống, góp phần xây dựng “Khu phố văn hóa”, “Tuyến phố văn minh đô thị”, “sáng - xanh - sạch - đẹp”, cùng địa phương xây dựng và duy trì nếp sống văn minh đô thị, xây dựng thành phố Long Khánh “Xanh-Văn minh-An toàn-Hiện đại”.

Tiếp nối truyền thống của vùng đất anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Long Khánh tin tưởng rằng với tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết thống nhất, Đảng bộ và Nhân dân thành phố quyết tâm phấn đấu xây dựng Long Khánh trở thành đô thị loại II trước năm 2025 và Long Khánh sẽ trở thành một đô thị năng động, phồn vinh, văn minh, giàu đẹp của tỉnh Đồng Nai.

Hoàng Long

Giới thiệu Sách

Bản đồ hành chính

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá Giao diện - Thông tin cập nhật trên Trang thông tin điện tử Thành phố Long Khánh

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ LONG KHÁNH

Cơ quan chủ quản: THÀNH ỦY-UBND THÀNH PHỐ LONG KHÁNH
Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh.
Địa chỉ: Cách Mạng Tháng Tám, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Email: longkhanhradio@gmail.com​

Số điện thoại: 02513.877.172 - 02513.877.124​