Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2024
THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM: NÂNG TẦM NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 -07/5/2024)
Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
Mẹ Lê Thị Sen (1906-1981 )

Đất Ngũ Quảng xưa có Quảng Trị là một trong những tỉnh nghèo nhất. Dãy Trường Sơn ra sát biển Đông, đồng bằng hẹp bị cồn cát trắng lấn dần hàng năm; khí hậu vô cùng khắc nghiệt: mùa đông lạnh buốt và mưa dầm mỗi khi gió mùa Đông Bắc tràn về, mùa hè gió Lào lộng hành những khi nắng lửa, lại thêm bão lụt tàn phá thường xuyên (năm ít nhất cũng có một trận bão, năm nhiều thiên tai có thể bị hơn chục trận). Do đó, người dân Ngũ Quảng rời bỏ quê hương, xứ sở cát trắng và thùy dương, tìm nơi đất lành rất nhiều. Mẹ Lê Thị Sen sinh năm Bính Ngọ 1906, quê tại xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên Chúa toàn tòng.  Khi lớn lên, má lấy ông Lê Nghỉ cũng dân làm ruộng, đạo gốc mấy đời.

Sau khi sinh con trai đầu lòng Lê Tuất (1932) vì quá cực khổ ở nơi chôn nhau cắt rốn, hai vợ chồng mẹ đi phu contrat vào làm ở đồn điền cao su An Lộc. Những tưởng được đổi đời theo lời đường mật của bọn mộ phu, nào ngờ vợ chồng mẹ lại dấn thân vào chốn địa ngục trần gian. Những ngày chúa nhật, hai người cùng với các phu – tín đồ khác chăm đi nhà thờ ngắm nguyện, song thiên đường chỉ là ảo ảnh để mộng mơ an ủi linh hồn người thương khó.

Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, công nhân cao su chỉ hưởng độc lập tự do vài ba tháng thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Nhiều gia đình bỏ vào vùng căn cứ, nhưng vợ chồng mẹ Lê Thị Sen quá nặng gánh nên đành ở lại tiếp tục làm nghề cạo mủ, sống cuộc đời lầm than.

Vừa đến tuổi thanh niên, không chịu được cảnh áp bức khủng bố hàng ngày của giặc, anh Hai Tuất (Lê Tuất) – con trai đầu lòng của mẹ được cán bộ ta giáo dục, đã cùng một số bè bạn trang lứa đi thoát ly kháng chiến. Lúc đầu các anh vào du kích ở Sông Bé, sau gia nhập bộ đội. Địch dò biết, bắt ông Lê Nghỉ về bót tra tấn, giam cầm tháng saumới tha.

Đến hiệp định Genève tháng 7/1954 anh Hai Tuất đi tập kết trong biên chế sư đoàn 330 (và từ đó mất liên lạc với gia đình cho đến bây giờ). Gia đình mẹ dù là tín đồ Thiên Chúa toàn tòng vẫn bị chính quyền địch theo dõi, phân biệt đối xử, thuộc loại “bìa đen".

Bỉ kìm kẹp trong vòng rào ấp chiến lược riết, gia đình mẹ không chịu nổi. Năm 1966 là mốc son đối với gia đình mẹ : được cán bộ giáo dục, móc nối, cả nhà mẹ bỏ sở cao su vào vùng căn cứ Suối Chồn. Ông Lê Nghỉ trở thành cán bộ kinh tài của huyện Cao su, anh Năm Tí (Lê Văn Tí) là du kích xã Bình Lộc. Chị Sáu Tưởng (Lê Thị Tưởng) là cán bộ phong trào xã An Lộc, anh Bảy Trong (Lê Văn Trong) là cán bộ phong trào rồi làm cơ yếu của Bà Rịa – Long Khánh.

Ở căn cứ một thời gian, các con lại đưa mẹ Lê Thị Sen ra sống hợp pháp. Mẹ định về ấp Núi Tung sinh sống nhưng tên trưởng ấp không cho cư ngụ. Mẹ đành phải về sống ở một nhà dòng Thủ Đức, giấu đi lai lịch. Khi được móc nối, mẹ mới đi thăm chồng con.

Chị sáu Tưởng lăn lộn bám dân và công nhân cao su để xây dựng cơ sở, phát triển phong trào chiến tranh nhân dân. Ngày 11/11/1967, chị đụng bọn dân vệ An Lộc – do tên Nhất Hội ác ôn chỉ huy – phục kích bắn chết ở núi Đầu Tây sau lưng Suối Tre. Chúng xẻo tai chị mang về lĩnh thưởng. Một năm sau, mẹ mới biết tin đau xót này.

Hơn ba tháng sau, anh Năm Tí – du kích Bình Lộc – đưa cán bộ đi công tác chuẩn bị vào đợt xuân Mậu Thân. Ngày 23/01/1968, anh  và đồng chí cán bộ lọt vào ổ phục kích ở lô C Bình Lộc, cả hai đều hy sinh. Hơn một năm sau, anh Bảy Trong mới cho mẹ biết tin xé lòng này trong một lần mẹ được móc đi thăm. Mẹ tưởng có thể chết ngay theo các con, nhưng được khuyên giải, lại gắng gượng trở về nhà dòng Thủ Đức tạm lánh.

Là một trong các cán bộ vào loại lớn tuổi của huyện Cao su, nhưng được giao bất kỳ việc gì Lê Nghỉ cũng gắng làm tròn với ý nghĩ: để góp phần trả thù cho các con bị giặc giết hại. Trên đường đi họp ở căn cứ tỉnh Bà Rịa – Long Khánh, ngày 7/11/1971, ông hy sinh ở Núi Bể (Long Khánh) vì lọt ổ phục kích của lính Úc. Mẹ Sen nhận được tin sét đánh khá nhanh. Mẹ khóc đến cạn khô nước mắt vì ba cái tang xảy ra dồn dập trong mấy năm liền.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng,  mẹ vui mừng đón con trai Bảy Trong trở về, càng thương nhớ những người ruột thịt đã khuất. Là con chiên ngoan đạo, kính Chúa, yêu nước, mẹ hằng nguyện cầu cho chồng và hai con ở cõi thiên đường. Mẹ sống yên vui với con cháu, được hưởng các chế độ chính sách ban hành. Năm 1981, mẹ đã “ra đi" sum họp cùng chồng con. Đảng và Nhà nước không quên ơn mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc ba người thân yêu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vĩ đại nên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định truy tặng mẹ Lê Thị Sen danh hiệu cao quý danh hiệu cao quý BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG.

Tổ Truyền thanh - Trung tâm VHTT&TT TP. Long Khánh

Infographic

Giới thiệu Sách

Bản đồ hành chính

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá Giao diện - Thông tin cập nhật trên Trang thông tin điện tử Thành phố Long Khánh



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ LONG KHÁNH

Cơ quan chủ quản: THÀNH ỦY-UBND THÀNH PHỐ LONG KHÁNH
Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh.
Địa chỉ: Cách Mạng Tháng Tám, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Email: longkhanhradio@gmail.com​

Số điện thoại: 02513.877.172 - 02513.877.124​