Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM: NÂNG TẦM NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI
Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
Các dân tộc đoàn kết, sáng tạo xây dựng quê hương long khánh ngày càng văn minh giàu đẹp

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Long Khánh lần thứ IV năm 2024 được diễn ra vào ngày 28/6/2024, tại trụ sở khối Nhà nước (Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh), Đại hội có 150 đại biểu ưu tú, đại biểu cho 12 dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố tham dự. Với Chủ đề “Các dân tộc thành phố Long Khánh đoàn kết, sáng tạo, phát huy lợi thế, hội nhập và phát triển", Đại hội tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn và ghi nhận công lao to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc.

Thành phố Long Khánh hiện có 12 dân tộc thiểu số sinh sống, với 3.330 hộ và 16.175 nhân khẩu, chiếm 11% dân số thành phố. Trong đó, dân tộc thiểu số bản địa gồm có 03 dân tộc (Chơro, Châu Mạ, K'Ho); dân tộc Chơro có 685 hộ với 3.393 người, chiếm trên 21% tổng số đồng bào dân tộc thiểu số; dân tộc Hoa có 1.739 hộ với 9.151 nhân khẩu; các dân tộc thiểu số khác chiếm tỷ lệ không đáng kể.

 z5581116286563_ab563dcb129608be9f9ca4d4f454a39a.jpg
Họp mặt già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc

Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố sống không tập trung theo địa bàn riêng biệt mà được chia thành từng cụm dân cư nhỏ, sống xen kẽ cùng với các dân tộc khác, tập trung ở các phường, xã như: Đồng bào dân tộc Hoa sinh sống chủ yếu tại các phường Xuân An, Xuân Trung, Xuân Bình, Bàu Sen, xã Bình Lộc; đồng bào dân tộc Tày sống tập trung tại phường Xuân Thanh, xã Bảo Quang; đồng bào dân tộc Khmer sống chủ yếu tại phường Phú Bình, Xuân Tân; đồng bào dân tộc Chơro sống chủ yếu tại các xã Hàng Gòn, Bàu Trâm, Bảo Quang, phường Bảo Vinh; đồng bào dân tộc Chăm sống chủ yếu tại phường Suối Tre, và một số dân tộc Nùng, Thái, K'ho, Sán Dìu, Ê Đê, Mường… sống rãi rác tại phường, xã.

Đồng bào dân tộc thiểu số sống gắn bó, đoàn kết và có sự giao thoa phong phú, đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ được truyền thống bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình và sinh sống bằng nghề làm nông nghiệp, làm thuê, một số ít còn lại làm dịch vụ và buôn bán nhỏ. Đồng bào dân tộc thiểu số luôn tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, an tâm làm ăn, sinh sống và nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.​​

Ông Tăng Quốc Lập - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh cho biết: “Trong nhiệm kỳ qua, Thành ủy, UBND thành phố luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, bằng những chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế được đồng bào đồng tình ủng hộ, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu vươn lên, bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được thay đổi từng ngày". Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn giai đoạn I: từ 2023 đến 2025 thành phố Long Khánh đăng ký 08 Dự án với tổng vốn 24 tỷ 325 triệu đồng và kế hoạch vốn thực hiện 2024 là 20 tỷ 729 triệu đồng.

 ONG SU TAC PHI CHAM SOC VUON CA PHE.jpg
Ông Sú Tắc Phí  chăm sóc vườn cây

Giai đoạn  2019- 2024, tình hình sản xuất nông nghiệp vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ngày càng phát triển, diện tích và sản lượng các loại cây trồng đều tăng. Tình hình thiên tai, sâu bệnh, dịch hại cây trồng có xảy ra ở mức độ nhẹ, đã được kịp thời triển khai các biện pháp phòng trừ, không gây thiệt hại nhiều đến sản xuất; năng suất các loại cây trồng đều đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Nhìn chung, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có bước chuyển đổi đáng kể về cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện một số gương điển hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, tiêu biểu như hộ ông Sú Tắc Phí, dân tộc Hoa, thường trú tại khu phố Tân Thủy, phường Bàu Sen là hộ nông dân sản xuất giỏi, với mô hình trồng cà phê, tiêu, bơ sáp, thu nhập bình quân mỗi năm trên 500.000.000 đồng; ông Điểu Lê vừa là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi vừa là thành viên Tổ hợp tác Dưa lưới thường trú tại ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, với mô hình trồng dưa lưới sạch bằng phương pháp hữu cơ và đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp chứng nhận OCOP..., trừ các khoản chi phí, lợi nhuận hàng năm khoảng 200 triệu đồng. Hay như anh Huỳnh Khải Nguyên (giám đốc công ty TNHH Bách Hữu Phát) người dân tộc Hoa, phường Suối Tre đã mạnh dạn áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, sửa chữa, chế tạo máy móc công nghiệp, kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt gần đây anh đã chế biến cho ra mắt sản phẩm phân hữu cơ vi sinh. Với kiến thức được học, sự cố gắng tìm tòi học hỏi từ các lớp tập huấn chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là những đợt thử nghiệm thực tế đã giúp anh áp dụng thành công mô hình chế biến phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng, giúp mang lại hiệu quả cao trong thu hoạch. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận đạt được trung bình 50 – đến 60 triệu/tháng, quan trọng hơn là tạo được việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đặt xưởng sản xuất. Ông Sú Tắc Phí cho biết thêm: “Qua nhiều năm, nhiều bà con đã chuyển đổi cây trồng sang các loại cây khác như sầu riêng, nhưng bản thân tôi vẫn kiên trì tiếp tục trồng cà phê, tiêu nhờ vậy mà gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện lo cho các con ăn học, bản thân cũng an tâm, dành nhiều thời gian hơn cho công tác Hội."

Thông qua các Chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã giải quyết chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách khuyến nông và các dịch vụ ưu đãi khác đã phát huy hiệu quả thiết thực đến việc chăm lo phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, năm 2019 có 29 hộ nghèo dân tộc thiểu số, đến đầu năm 2024 giảm còn 19 hộ. Lồng ghép vào các chính sách, đã phối hợp với Mặt trận, đoàn thể thành phố vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội 28.775.603.000đ. Xây mới và sửa chữa 131 căn nhà tình thương, tổng trị giá 6.678.400.000đ; hỗ trợ vốn sản xuất cho 7.052 hộ nghèo, hộ khó khăn với tổng số tiền 6.754.025.400đ; hỗ trợ thăm hỏi, khám chữa bệnh cho trên 145 lượt người với số tiền 1.004.397.000đ; hỗ trợ học bổng, xe đạp cho trên 1.870 học sinh, sinh viên.

Đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao ý thức, khắc phục tư tưởng ỷ lại; quản lý và sử dụng có hiệu quả các công trình đã được đầu tư xây dựng; đẩy mạnh và đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đi vào chiều sâu; xây dựng nếp sống văn minh, xoá bỏ các tập tục lạc hậu. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai hiệu quả công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ lực, liên kết tạo ra chuỗi giá trị trong lao động, sản xuất. 

toan canh buoi tuyen truyen cho dbdtts.bmp
Buổi tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Đặng Thanh Hiếu - Trưởng phòng Dân tộc thành phố Long Khánh cho biết: “Phòng Dân tộc thành phố tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách về dân tộc đến toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc".

Cũng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hoá hiện có; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc; tăng cường giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong đồng bào dân tộc; coi trọng công tác nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc.

Phát huy vai trò, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để cùng tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tham gia công tác giảm nghèo và theo dõi giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương. Củng cố và nâng cao chất lượng các mặt của hệ thống chính trị cơ sở, chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dân tộc trên địa bàn thành phố Long Khánh phát triển toàn diện, góp phần xây dựng quê hương Long Khánh ngày càng văn minh giàu đẹp.

Hoàng Long

Giới thiệu Sách

Bản đồ hành chính

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá Giao diện - Thông tin cập nhật trên Trang thông tin điện tử Thành phố Long Khánh

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ LONG KHÁNH

Cơ quan chủ quản: THÀNH ỦY-UBND THÀNH PHỐ LONG KHÁNH
Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh.
Địa chỉ: Cách Mạng Tháng Tám, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Email: longkhanhradio@gmail.com​

Số điện thoại: 02513.877.172 - 02513.877.124​